Bên cạnh việc bố trí nguồn vốn để nâng cấp, tu bổ đáp ứng năng lực phòng, chống thiên tai (PCTT) hằng năm, các cấp chính quyền trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch, huy động lực lượng, phương tiện tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố đê điều, hồ đập với phương châm “4 tại chỗ”. Qua đó giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Các lực lượng chức năng diễn tập phòng chống thiên tai tại xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường). Ảnh: Nguyễn Lượng
Trên địa bàn tỉnh có 454 hồ chứa lớn nhỏ, 6 đập dâng nước; 4 tuyến đê sông chính từ cấp I đến cấp III với tổng chiều dài hơn 95km; 4 tuyến đê cấp IV với chiều dài hơn 22km; 2 tuyến đê cấp V với chiều dài hơn 31km và tuyến đê Phan - Sáu Vó có chiều dài hơn 7,2km.
Nâng cao năng lực phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên địa bàn; công tác dự báo, cảnh báo thiên tai dần được nâng cao; hệ thống cơ sở hạ tầng và công trình PCTT thường xuyên được đầu tư nâng cấp tốt hơn; ứng dụng khoa học công nghệ trong chỉ đạo, chỉ huy; năng lực tham mưu ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã có nhiều bước tiến.
Hằng năm, tỉnh chỉ đạo ngành chức năng chủ động tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê điều, hồ đập; xác định trọng điểm đê điều xung yếu và xây dựng phương án hộ đê; phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức nhiều lớp tập huấn tuyên truyền pháp luật về đê điều và PCTT cho hàng trăm hộ dân sinh sống ở ven đê; xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng đê điều, hồ đập kịp thời nhằm củng cố các vị trí xung yếu, sạt lở, tăng cường khả năng chống lũ.
Triển khai cắm mốc chỉ giới hành lang bảo vệ đê, hồ đập, cột lý trình đê, hồ đập ngoài thực địa; chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để sẵn sàng ứng phó trước mùa mưa bão. Đến nay, hệ thống đê điều từ Trung ương đến địa phương được mở rộng, nâng cấp, đảm bảo chống lũ kết hợp làm đường giao thông; cải tạo, nâng cấp các hồ chứa nước, đảm bảo cắt lũ, đồng thời tích nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Giai đoạn 2013 - 2015, tỉnh đã triển khai các dự án sắp xếp, ổn định dân cư vùng sạt lở cho 146 hộ dân với 587 khẩu tại huyện Sông Lô; đầu tư cải tạo, nâng cấp trên 100 công trình hồ đập, trạm bơm lớn, nhỏ; ban hành Đề án nâng cao năng lực quản lý an toàn đập, hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí gần 1.000 tỷ đồng.
Triển khai một số dự án như cải tạo, nạo vét, kè bờ đầm Vạc; xây dựng kè bờ một số đoạn của sông Cà Lồ tại phường Nam Viêm (Phúc Yên); triển khai xây dựng hồ Đồng Mỏ, xã Đạo Trù (Tam Đảo); kè bờ hồ Đại Lải (Phúc Yên)...
Đồng thời rà soát, lập phương án phòng chống lũ của tuyến sông có đê trong Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, góp phần ổn định đời sống của người dân, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão xảy ra trên địa bàn tỉnh cuối năm 2024 khiến mực nước trên các sông Phó Đáy, sông Hồng, sông Lô đoạn chảy qua địa bàn tỉnh dâng cao, gây ngập lụt, khiến hàng chục nghìn hộ dân tại xã Sơn Đông (Lập Thạch), xã Sao Đại Việt (Vĩnh Tường), xã Tam Hợp (Bình Xuyên)… bị cô lập, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân và khó khăn cho công tác cứu trợ của lực lượng chức năng. Đặc biệt, hàng nghìn hộ dân sinh sống bên ngoài khu vực đê Bối thuộc huyện Yên Lạc, đê Tả sông Lô, đê sông Phó Đáy phải di chuyển tài sản, vật nuôi về nơi an toàn.
Thời điểm đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh yêu cầu các huyện triển khai lực lượng, phương tiện, vật tư bảo đảm an toàn hệ thống đê điều. Tổ chức lực lượng, tuần tra, canh gác đê, phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu những hư hỏng của đê, kè, cống, nhất là các cống dưới đê và các trọng điểm xung yếu đê điều. Các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, kiên quyết di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm với phương châm “không bỏ sót bất cứ ai”.
Cùng với việc chuẩn bị chu đáo địa điểm sơ tán người dân khi nước lũ dâng cao, công tác chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh phục vụ nhân dân được chú trọng.
Đê tả sông Hồng đoạn qua địa phận huyện Yên Lạc được nâng cấp, cải tạo trước mùa mưa lũ. Ảnh: Nguyễn Lượng
Với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, những thiệt hại về vật nuôi, kiến trúc, nhà ở… do bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra được khắc phục kịp thời, người dân nhanh chóng ổn định sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh.
Mùa mưa, lũ năm nay đang đến gần. Nhằm nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền trong công tác phòng thủ dân sự, PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự ứng phó sự cố đê điều, hồ đập và tìm kiếm cứu nạn tỉnh năm 2025.
Theo đó, diễn tập dự kiến tổ chức vào ngày 6/6/2025; trong đó địa điểm diễn tập thực binh xử trí sự cố hồ đập được thực hiện tại đập Bản Long, thôn Bàn Long, xã Minh Quang (Tam Đảo).
Thông qua diễn tập, các lực lượng tham gia PCTT có thêm những kiến thức, kỹ năng bảo vệ hệ thống đê điều, hồ đập. Cơ quan PCTT địa phương có kinh nghiệm để rà soát, cập nhật kế hoạch, phương án phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả, góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng trước thiên tai.
Ngọc Lan