Nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm, phát triển bền vững gắn với xây dựng thương hiệu, tạo đà cho sản phẩm thế mạnh của địa phương vươn xa, các cấp chính quyền huyện Sông Lô thường xuyên khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó không chỉ khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế vốn có ở địa phương mà còn góp phần nâng cao thu nhập, đời sống của người dân.

Ổi Đôn Nhân - sản phẩm OCOP 3 sao của huyện Sông Lô được nhiều người tiêu dùng ưa thích. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ khi triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn huyện Sông Lô đến nay đã lan tỏa sâu rộng, phát huy được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề truyền thống tại mỗi địa phương trong huyện theo hướng phát triển nội lực, tạo ra sản phẩm hàng hóa có thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm.
Toàn huyện hiện có 13 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh như thanh long ruột đỏ Lộc Thúy Quỳnh, ổi Đôn nhân, giò lụa Phương Khoan, cá trắm thính Cao Phong…
Năm 2024, huyện tiếp tục công nhận 6 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao gồm bánh tẻ Tứ Yên, đặc sản bánh nẳng bà Mùi xã Đôn Nhân, trâu sấy gác bếp xã Lãng Công, thịt lợn thính xã Yên Thạch…
Để đạt được kết quả đó, hằng năm, UBND huyện đều ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương tích cực đẩy mạnh tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của Chương trình OCOP bằng nhiều hình thức.
Hướng dẫn, hỗ trợ các cơ sở có đủ điều kiện tham gia xây dựng sản phẩm OCOP; hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt.
Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP, các sản phẩm đảm bảo chất lượng, điều kiện, quy định về tem, nhãn mác truy xuất nguồn gốc… được đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại thị trường trong và ngoài tỉnh; lồng ghép vào các dịp lễ hội, sự kiện văn hóa của địa phương…

Những sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao của huyện Sông Lô được giới thiệu tại nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Thông qua Chương trình OCOP, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sông Lô đã chủ động quy hoạch vùng nguyên liệu đặc sản, khuyến khích các ngành nghề nông thôn, bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống phù hợp yêu cầu thị trường, góp phần gia tăng giá trị, giúp các chủ thể mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Cơ sở sản xuất thịt trâu sấy Huho Việt Nam tại thôn Phú Cường, xã Lãng Công là một trong những đơn vị tham gia Chương trình OCOP năm 2024 được Hội đồng thẩm định chấm chọn, công nhận 2 sản phẩm gồm thịt trâu sấy gác bếp và lạp xưởng gác bếp đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Kiên, chủ cơ sở cho biết, vài năm trở lại đây, thịt sấy thực sự lên ngôi. Thay vì chờ đến các dịp lễ, Tết, nhu cầu thịt sấy giờ gần như có quanh năm.
Bằng việc thực hiện quy trình sản xuất đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu lựa chọn nguyên liệu sẵn có tại địa phương đến chế biến, thành phẩm, đóng gói và bảo quản, mỗi ngày, cơ sở của anh chế biến hàng chục kg thịt.
Bên cạnh đó, anh Kiên cũng chú trọng đến việc thiết kế bao bì mẫu mã đa dạng, đẹp mắt gắn tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm an toàn thực phẩm, trên nhãn mác có hướng dẫn sử dụng, mã số mã vạch, thông tin chất lượng sản phẩm… để giúp người tiêu dùng nhận biết và tra cứu thông tin.
Nhờ có hương vị đậm đà, thơm ngon, lạ miệng, mỗi năm cơ sở cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn thành phẩm với 3 dòng sản phẩm chính gồm thịt trâu sấy gác bếp, thịt lợn sấy gác bếp và lạp xưởng gác bếp.
Anh Kiên cho biết thêm: “Mỗi sản phẩm làm ra đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, đảm bảo chất lượng thơm ngon và tuân thủ quy trình sản xuất bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhất là sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, khách hàng lại càng tin tưởng, lựa chọn nhiều hơn.
Thời gian tới, tôi mong được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ các chủ thể đã được chứng nhận sản phẩm OCOP tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại các sự kiện, hội chợ thương mại, các sàn giao dịch điện tử… để có thêm cơ hội tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường”.
Tiếp nối những thành quả đạt được, năm 2025, huyện Sông Lô quyết tâm phấn đấu có thêm ít nhất 1 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trở lên.
Để hoàn thành mục tiêu, huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chương trình OCOP.
Hỗ trợ tích cực cho các chủ thể đăng ký tham gia chương trình, chuẩn bị hồ sơ, thủ tục và các vấn đề liên quan theo hướng gia tăng số lượng và giá trị đảm bảo các tiêu chuẩn.
Tạo điều kiện cho các chủ thể đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử…
Qua đó giúp các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị nông sản ở nông thôn, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.
Ngọc Lan