Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Vĩnh Phúc luôn quan tâm triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều, toàn diện; huy động tối đa nguồn lực chung tay hỗ trợ, chia sẻ với người nghèo. Nhờ đó, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,44%, hoàn thành mục tiêu trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường, gia đình chị Nguyễn Thị Thương, xã Vĩnh Thịnh có điều kiện mở rộng quy mô chuồng trại chăn nuôi bò sữa, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Kim Ly
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch giảm nghèo theo từng năm, từng giai đoạn và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về giảm nghèo, tạo điều kiện để người nghèo tham gia vào quá trình truyền thông, lan tỏa những mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo hiệu quả.
Qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, ngành và nhân dân về giảm nghèo nhanh, bền vững, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo của người nghèo.
Đồng chí Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Hiện nay, các cơ chế, chính sách của tỉnh về giảm nghèo đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn. Nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo của tỉnh cao hơn so với quy định của Trung ương như chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ người nghèo học nghề, xuất khẩu lao động…
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của tỉnh được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng, nhất là về y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông...; hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo đảm việc làm thông qua các chính sách về vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất; phát triển kết cấu hạ tầng thiết yếu cho các địa phương.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trên cả nước ban hành chính sách giảm nghèo đặc thù, hướng tới hỗ trợ những đối tượng không có khả năng thoát nghèo, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Năm 2024, tỉnh đã hỗ trợ hơn 25,7 tỷ đồng cho hơn 1.300 lượt đối tượng không có khả năng thoát nghèo.
Giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, các cấp, ngành, địa phương luôn ưu tiên nguồn lực thực hiện các đề án, dự án, mô hình phát triển kinh tế - xã hội; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người nghèo tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao…
Mô hình nuôi rắn thương phẩm mang lại thu nhập tốt cho hộ ông Chu Văn Thắng, thôn Mới, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường). Ảnh: Kim Ly
Đồng thời huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa chung tay sẻ chia, giúp đỡ người nghèo bằng nhiều hình thức như ủng hộ tiền, ngày công lao động, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất…
Bên cạnh đó, hằng năm, UBND tỉnh tổ chức ký cam kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với UBND các huyện, thành phố về mục tiêu giảm nghèo gắn với thực hiện chính sách tín dụng hộ nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động cho người nghèo.
Giai đoạn 2014 - 2024, toàn tỉnh có hơn 250.000 lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển kinh tế, giải quyết việc làm với doanh số cho vay đạt hơn 9.000 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm ổn định cho hơn 62.200 lao động, đưa hơn 28.300 hộ vươn lên thoát nghèo.
Với các giải pháp hiệu quả, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 0,3 - 0,5%. Đến cuối năm 2024, toàn tỉnh còn hơn 1.500 hộ nghèo, chiếm 0,44% tổng hộ dân, hoàn thành trước 3 năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
9/9 huyện, thành phố đều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, không có hộ nghèo là người có công với cách mạng. Đặc biệt, một số địa phương không còn hộ nghèo như xã Cao Phong (Sông Lô), xã Tam Phúc (Vĩnh Tường)… Đời sống của người dân không ngừng được nâng cao, an sinh xã hội ngày càng đảm bảo.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách giảm nghèo; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo; lồng ghép, tích hợp công tác giảm nghèo trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo, người nghèo…
Phương Anh