Năm nay thời tiết không có mưa lũ lớn nên các vườn hoa phát triển tốt. Người dân kỳ vọng sắp tới thị trường, giá cả ổn định để có một cái Tết đầm ấm.
Làng hoa Nghĩa Hiệp hiện có khoảng 600 hộ trồng hoa Tết.
Còn chưa đầy 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, đây là giai đoạn quan trọng để người trồng hoa cúc Tết tại làng hoa Nghĩa Hiệp (xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bắt đầu sử dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo đảm hoa nở đúng thời điểm, hình thức, màu sắc đẹp để đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vào thời điểm cuối năm, nhiệt độ xuống thấp, trời tối nhanh nên cách đây khoảng nửa tháng, hầu hết các chủ vườn ở làng hoa Nghĩa Hiệp đã kéo dây điện để thắp đèn xuyên đêm cho các vườn hoa. Theo kinh nghiệm của người trồng hoa nơi đây, chong đèn là một trong những biện pháp nhằm kích thích cây hoa phát triển nhanh hơn, cao hơn cũng như chủ động kiểm soát thời gian trổ bông.
Vụ hoa cúc năm nay, gia đình ông Nguyễn Tư (55 tuổi, trú xã Nghĩa Hiệp) trồng hơn 1.000 chậu hoa cúc lớn nhỏ. Ông Tư cho biết, tùy theo diện tích trồng mà mỗi hộ có thể đầu tư từ vài triệu đến vài chục triệu đồng để lắp hệ thống điện chiếu sáng cho hoa. Trong quá trình chong đèn phải thường xuyên theo dõi tốc độ phát triển của hoa cũng như tình hình thời tiết, nhiệt độ để điều chỉnh ánh sáng phù hợp.
“Cây hoa cúc nếu không sử dụng biện pháp chong đèn sẽ không phát triển mạnh, thường chỉ đạt chiều cao khoảng 40cm và nở rất sớm. Trong khi đó, khi được chong đèn, cây có thể cao 70 - 80cm, bông to, cánh dày, màu sắc tươi tắn, rực rỡ hơn nên giá trị cao hơn nhiều. Do đó, khi cây đã sinh trưởng đủ chiều cao, bắt đầu hình thành nụ và cho hoa thì sẽ tiến hành ngắt điện và bắt đầu tập trung vào khâu cắt tỉa những bông, nụ xấu”, ông Tư cho biết.
Ngoài biện pháp chong đèn, để những chậu cúc đẹp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng thì việc chăm sóc loài hoa này cũng khá công phu. Khâu làm đất, chọn giống, sử dụng phân bón đúng liều lượng để phòng bệnh và tăng khả năng sinh trưởng cho cây cũng rất quan trọng. Ngoài kỹ thuật, kinh nghiệm của người trồng hoa thì việc thành bại còn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết.
Theo bà Hồ Thị Thương (62 tuổi, trú xã Nghĩa Hiệp), vụ hoa cúc Tết ở địa phương thường bắt đầu xuống giống từ khoảng giữa tháng 7 âm lịch. Năm nay thời tiết khá thuận lợi, không có mưa lũ lớn nên hầu hết vườn hoa đều phát triển tốt. Thời điểm này cũng là lúc thương lái chuẩn bị tìm đến để xem hoa và đặt hàng nên người dân thường xuyên có mặt ở vườn hoa để theo dõi, kiểm tra sâu bệnh nhằm phát hiện, xử lý kịp thời giúp hoa đạt hình thức tốt nhất, bán được giá nhất.
Năm nay, nhiều nhà vườn ở làng hoa Nghĩa Hiệp đã mạnh dạn tăng sản lượng, có vườn tăng gấp đôi. Sản lượng hoa cúc cung cấp ra thị trường dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025 dự kiến tăng khoảng 1,5 lần so với Tết năm trước. Để đa dạng thị trường hoa Tết, ngoài cúc, nhiều nông hộ ở Nghĩa Hiệp đã trồng thêm các giống hoa mới như dạ yến thảo, dâu tây, thược dược, mào gà… Bà con rất kỳ vọng sắp tới thị trường ổn định để có cái Tết đầm ấm.
Xã Nghĩa Hiệp được xem là thủ phủ hoa cúc Tết của khu vực miền Trung với khoảng 600 hộ trồng hoa. Tháng 1/2023, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công Nghệ) đã công nhận nhãn hiệu hoa Nghĩa Hiệp. Theo số liệu thống kê, năm nay, số lượng hoa được các hộ ở vùng hoa Nghĩa Hiệp trồng để phục vụ Tết Nguyên Đán 2025 rơi vào khoảng 16.000 chậu. Trong đó có 9.500 chậu cúc, 5.300 cúc mâm xôi và 1.000 hoa các loại. Thị trường tiêu thụ chủ yếu của hoa Nghĩa Hiệp là ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Hương Hoài (Theo nongnghiep.vn)