Phát huy lợi thế là huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Tam Đảo hiện có số lượng sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên đứng đầu toàn tỉnh. Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng các sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện cũng từng bước được nâng lên, góp phần nâng cao thu nhập, quảng bá hình ảnh địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch.
Với quy trình sản xuất hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm OCOP chất lượng cao của HTX nấm Tam Đảo được người tiêu dùng đón nhận. Ảnh: Nguyễn Lượng
Sau 15 năm hình thành, phát triển, đến nay, HTX nấm Tam Đảo chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo tại thị trấn Hợp Châu đã có 10 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh.
Trung bình mỗi năm, HTX sản xuất khoảng 10 nghìn sản phẩm cung ứng ra thị trường, trong đó có 4 cơ sở kinh doanh tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Tam Đảo.
Giám đốc HTX nấm Tam Đảo Nguyễn Quốc Huy cho biết: Tam Đảo là huyện trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh, lại được thiên nhiên ưu đãi, có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tạo ra nhiều sản vật đặc trưng, có giá trị kinh tế cao.
Nắm bắt cơ hội đó, HTX không ngừng nghiên cứu, đa dạng hóa các dòng sản phẩm, tích cực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
Các sản phẩm của HTX được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; thương hiệu “Nấm Tam Đảo - Đông trùng hạ thảo Tam Đảo” được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chứng nhận độc quyền chỉ dẫn đối với khu vực nuôi trồng đông trùng hạ thảo tại huyện Tam Đảo.
Hiện nay, HTX nấm Tam Đảo đang nghiên cứu, phát triển nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo từ nhộng tằm, phát triển vùng nguyên liệu khoảng 50 ha trồng dâu nuôi tằm để sản xuất.
Bên cạnh đó, mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vải lụa tơ tằm tự nhiên, phát triển thành điểm du lịch tham quan, trải nghiệm cho du khách.
Tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào tại địa phương, năm 2023, bà Vũ Thị Quý thành lập HTX thảo dược Tam Đảo tại thị trấn Đại Đình với mục tiêu sản xuất, kinh doanh các sản phẩm làm từ thảo dược tự nhiên.
Với nguồn nguyên liệu được sàng lọc kỹ, sản xuất theo quy trình hiện đại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, năm 2024, 3 sản phẩm của HTX đã được UBND huyện Tam Đảo chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Thống cốt tiên Quý tán - Trà Khôi tía, Thống cốt tiên Quý tán - Trà Ba kích và Trà thảo dược Thống cốt tiên Quý tán.
Hiện nay, các sản phẩm của HTX được bày bán tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, khu vực chân núi Tam Đảo, được nhiều người dân, du khách tin dùng.
Thực hiện Chương trình OCOP, riêng năm 2024, huyện Tam Đảo có thêm 6 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP (vượt gấp đôi mục tiêu đề ra) gồm: Viên bổ thận TamDao Trùng thảo, Rượu men lá Sán Dìu Tam Đảo của HTX nấm Tam Đảo; Bánh chưng gù dân tộc Sán Dìu của HTX Nông nghiệp Bản Long, xã Minh Quang và 3 sản phẩm của HTX thảo dược Tam Đảo.
Lũy kế đến nay, huyện Tam Đảo có 27 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, là huyện có số lượng sản phẩm OCOP đứng đầu toàn tỉnh.
Một số sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định thương hiệu, được người dân, du khách tin dùng, làm quà biếu, quà tặng như các sản phẩm từ hoa, lá cây trà hoa vàng của Công ty TNHH Trà Hoa Vàng Tam Đảo và Công ty TNHH Tân Đại Dương, xã Tam Quan; các sản phẩm từ cây ba kích, đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần chế biến nông sản Minh Phúc An, xã Hồ Sơn; các sản phẩm được làm từ sữa bò tươi của HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý…
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo Chu Văn Sáu: Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn huyện sẽ góp phần quan trọng để thu hút du khách, thúc đẩy ngành du lịch phát triển bền vững.
Với lợi thế tự nhiên sẵn có, huyện Tam Đảo sở hữu nhiều loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh, là cơ sở vững chắc để phát triển thành các sản phẩm OCOP, xây dựng thành sản phẩm du lịch đặc trưng, mang lại thu nhập cho người dân, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương.
Tuy nhiên, do thiếu nguồn lực đầu tư, phần lớn sản phẩm OCOP của huyện vẫn ở mức sơ chế, quy mô sản xuất nhỏ, khó cạnh tranh với thị trường. Mặt khác, nhiều chủ thể OCOP chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, dẫn đến khó khăn trong việc mở rộng thị trường.
Để phát triển sản phẩm OCOP xứng tầm huyện du lịch, huyện Tam Đảo tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các chủ thể OCOP trong việc đăng ký thương hiệu, quảng bá sản phẩm thông qua chương trình xúc tiến thương mại tại các điểm du lịch, sàn thương mại điện tử, gắn phát triển sản phẩm OCOP với du lịch của địa phương.
Bên cạnh đó, các chủ thể OCOP cần chú trọng hơn đến các giải pháp chuẩn hóa, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến sản phẩm; tích cực đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động tìm hiểu, sản xuất sản phẩm theo nhu cầu thị trường, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Hoàng Sơn