Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, linh hoạt trong việc xây dựng các phương án bố trí cán bộ, trụ sở làm việc khoa học, phù hợp với thực tiễn, đến nay, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã trên địa bàn tỉnh đã tạo được sự thống nhất về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.
Cán bộ xã Vân Hội (Tam Dương) trao đổi về kế hoạch sáp nhập đơn vị hành chính của địa phương. Ảnh: Thế Hùng
Tại xã Bạch Lưu (Sông Lô) - địa phương thực hiện Đề án sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025, từ cán bộ, đảng viên đến người dân đều đồng thuận, ủng hộ chủ trương, bởi việc sắp xếp ĐVHC sẽ tạo ra không gian phát triển mới cho kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống của nhân dân ngày càng tốt hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Bạch Lưu Nguyễn Thành Chung cho biết: Là địa phương có dân số thấp nhất huyện Sông Lô, với hơn 3.500 khẩu, diện tích tự nhiên 6,3 km2, giai đoạn 2023 - 2025, xã Bạch Lưu thuộc diện sắp xếp vào xã Hải Lựu.
Xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, lồng ghép trong các cuộc họp từ cấp xã đến thôn.
Nhờ đó, người dân hiểu được mục đích, chủ trương của đề án và ủng hộ, thống nhất cao với tỷ lệ ý kiến cử tri bỏ phiếu đồng thuận đạt 98%. Đến thời điểm này, địa phương đã cơ bản hoàn thiện các bước chuẩn bị, sẵn sàng cho việc sáp nhập.
Ông Nguyễn Văn Hà, thôn Hùng Mạnh, xã Bạch Lưu chia sẻ: Sáp nhập xã Bạch Lưu vào xã Hải Lựu phù hợp với chủ trương, thực tiễn, bởi đây là 2 xã liền kề có các yếu tố tương đồng về văn hóa, tôn giáo, tập quán, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Do đó, sau sáp nhập sẽ tạo điều kiện để người dân tăng cường liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, bảo đảm ổn định tình hình chính trị, quốc phòng, an ninh.
Với quy mô, dân số không đạt tiêu chuẩn theo quy định, giai đoạn 2023 - 2025, xã Phú Đa và xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường thực hiện sắp xếp thành 1 ĐVHC mới có tên là xã Vĩnh Phú.
Dự kiến sau sáp nhập, xã Vĩnh Phú có diện tích tự nhiên hơn 11 km2, đạt 52,86% so với tiêu chuẩn; quy mô dân số gần 11.800 người, đạt hơn 147% so với tiêu chuẩn.
Chủ tịch UBND xã Phú Đa Nguyễn Danh Hồng cho biết: Do vị trí địa lý tiếp giáp và truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán sinh hoạt tương đồng, phù hợp với thực tiễn nên việc thực hiện sắp xếp xã Phú Đa và xã Vĩnh Ninh cơ bản thuận lợi, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Tại xã Phú Đa, tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đồng thuận đạt 95% với Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã.
Với 15/28 ĐVHC thực hiện sắp xếp, sáp nhập thành 7 xã, thị trấn, huyện Vĩnh Tường là địa phương có số ĐVHC thực hiện tinh gọn bộ máy nhiều nhất tỉnh. Song, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân tại các xã thực hiện khá thuận lợi, với tỷ lệ cử tri bỏ phiếu đồng ý đạt gần 90%.
Đạt được kết quả trên, ngay sau khi có chỉ thị, đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện Vĩnh Tường đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, đảng viên và nhân dân chủ trương của Trung ương, của tỉnh và các quy định về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã.
Cùng với đó, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể tích cực, chủ động triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo lộ trình của đề án. Nhờ đó, người dân kịp thời nắm được chủ trương, văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện và đồng thuận, nhất trí cao.
Giai đoạn 2023 - 2025, toàn tỉnh thực hiện sắp xếp 28 ĐVHC cấp xã thành 13 đơn vị tại 6 huyện, thành phố. Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là sự đồng thuận, nhất trí cao của các tầng lớp nhân dân, việc thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập các ĐVHC cấp xã trên địa bàn sẽ theo đúng kế hoạch, lộ trình, mở ra không gian phát triển mới, tạo động lực thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị và mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Hồng Tính