Mặc dù đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, song với định hướng đúng đắn và giải pháp hiệu quả, năm 2024, huyện Bình Xuyên đã từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì tăng trưởng kinh tế trên hai con số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng chung của tỉnh.
Sản xuất các thiết bị điện, điện tử tại Nhà máy Lumi Smart, Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo của UBND huyện Bình Xuyên, năm 2024, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn theo giá hiện hành ước đạt trên 260 nghìn tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2023. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp, xây dựng ước đạt gần 251 nghìn tỷ đồng, tăng trên 15%, chiếm gần 96,5% trong cơ cấu kinh tế địa phương.
Trong sản xuất công nghiệp, ngành sản xuất các sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học có mức tăng trưởng cao nhất với con số gần 16%. Đây cũng là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong sản xuất công nghiệp của huyện.
Kinh tế tăng trưởng đã góp phần tạo nguồn thu ổn định, bền vững cho ngân sách. Ước năm 2024, thu ngân sách toàn huyện đạt gần 3,4 nghìn tỷ đồng, vượt gần 19% so với dự toán thu ngân sách được giao.
Thu hút đầu tư tiếp tục khởi sắc. Trong năm, huyện đã thu hút được 64 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 253 triệu USD, trong đó có 49 dự án cấp mới, 15 dự án điều chỉnh tăng vốn; thu hút 7 dự án DDI mới với tổng vốn đăng ký trên 700 tỷ đồng, điều chỉnh tăng vốn cho 3 dự án với tổng vốn đăng ký tăng hơn 5.000 tỷ đồng.
Các nhiệm vụ về giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng nông thôn mới, quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, công tác quy hoạch, lập quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị, giải phóng mặt bằng, xử lý vi phạm đất đai… tiếp tục đạt những kết quả tích cực.
Có thể nói, những kết quả phát triển kinh tế huyện Bình Xuyên nỗ lực đạt được trong năm qua giữa bối cảnh đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có trên địa bàn tỉnh, cũng như những biến động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới tác động sâu sắc đến hoạt động của các doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận.
Theo lãnh đạo huyện Bình Xuyên, mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế ở địa phương năm 2024 vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định.
Đó là tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất trái mục đích trên địa bàn chưa được xử lý dứt điểm, vẫn để xảy ra tình trạng vi phạm mới và chậm được xem xét, giải quyết.
Công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân các công trình, dự án, dẫn đến nguồn lực đầu tư công cho phát triển kinh tế - xã hội chưa được khơi thông mạnh mẽ.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối diện với nhiều thách thức, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, thậm chí phá sản; chất lượng hạ tầng các khu công nghiệp chưa cao; thu ngân sách tăng trưởng nhưng chưa thực sự bền vững…
Năm 2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc triển khai hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 của địa phương.
Bên cạnh những thuận lợi khi kinh tế có xu hướng phục hồi, chính sách mở cửa thị trường, cắt giảm thuế… mang lại cơ hội thu hút các nguồn lực từ bên ngoài, quá trình phát triển kinh tế của địa phương sẽ tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Do vậy, để khắc phục những hạn chế, nỗ lực hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng đề ra, tạo động lực tăng trưởng cho các giai đoạn tiếp theo, huyện Bình Xuyễn sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển bền vững. Tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư.
Tăng cường theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp để có giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển các dịch vụ văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tăng cường công tác huy động và cho vay vốn nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý thuế, chống thất thu, gian lận thuế, chống chuyển giá. Tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao, thực hiện đồng bộ các giải pháp chống thất thu thuế.
Tập trung làm tốt công tác đầu tư xây dựng cơ bản, đảm bảo tiến độ, chất lượng các công trình, dự án, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đáp ứng nhu cầu dân sinh và tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai các dự án.
Tổ chức việc kê khai, kiểm đếm, xây dựng phương án chi trả tiền bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án, đảm bảo đúng chính sách, kịp thời bàn giao mặt bằng cho các chủ đầu tư, nỗ lực không để việc giải phóng mặt bằng trở thành điểm “nghẽn” trong quá trình phát triển kinh tế -xã hội…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh