Hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, việc phát triển khu công nghiệp (KCN) của Việt Nam nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng theo hướng phát triển xanh. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Vĩnh Phúc đã phỏng vấn ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Ông Trần Quốc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu Kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Mai Liên
Phóng viên: Dưới góc nhìn cơ quan quản lý Nhà nước, ông đánh giá thế nào về quá trình phát triển các KCN của Vĩnh Phúc?
Ông Trần Quốc Trung: Sau 27 năm xây dựng và phát triển, Vĩnh Phúc đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, đưa ra những chủ trương, chính sách đúng đắn, phù hợp thực tiễn, nỗ lực vươn lên, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.
Từ chỗ sản xuất công nghiệp còn thô sơ, không có KCN, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 29 KCN được quy hoạch, trong đó có 17 KCN được thành lập với tổng diện tích 3.146 ha.
Thu hút đầu tư nhiều năm liên tiếp trở thành điểm sáng của cả nước. Trong các KCN trên địa bàn tỉnh hiện có 493 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 376 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 6,74 tỷ USD thuộc 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các KCN đi vào hoạt động hiệu quả đã đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, góp phần mở rộng, phát triển các đô thị như Phúc Yên, Vĩnh Tường, Tam Dương, kéo theo sự phát triển của nhiều ngành dịch vụ phụ trợ như vận tải, logistics, nhà hàng, khách sạn...
Nhờ phát triển các KCN, Vĩnh Phúc đã có bước chuyển mình ngoạn mục, từ một địa phương nghèo phải nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương trở thành tỉnh có kinh tế phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn trong tốp đầu cả nước nhiều năm qua.
Phóng viên: Quá trình phát triển các KCN đặt ra không ít thách thức. Ông có thể chia sẻ một số khó khăn, thách thức mà các KCN Việt Nam nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng đang gặp phải?
Ông Trần Quốc Trung: Bên cạnh những đóng góp quan trọng của KCN vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Vĩnh Phúc nói riêng thì quá trình phát triển nhanh hệ thống các KCN cũng bộc lộ nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Đó là mức độ liên kết ngành, hợp tác, cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong cùng một KCN hay các KCN với nhau còn nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.
Hay như các dịch vụ hỗ trợ tại nhiều KCN vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu hoặc chưa đạt chất lượng cao. Các dịch vụ, công trình kết cấu hạ tầng dùng chung giữa các doanh nghiệp chưa nhiều. Vấn đề đời sống, an sinh xã hội của người lao động cũng cần được các nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư thứ cấp trong KCN quan tâm, chú trọng hơn.
Phóng viên: Để giải quyết những thách thức trên, theo ông, xu hướng phát triển các KCN trong thời gian tới sẽ như thế nào? Các nhà đầu tư nước ngoài chú trọng yếu tố gì khi lựa chọn KCN?
Ông Trần Quốc Trung: Trong bối cảnh toàn cầu đang hướng tới phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, các chính sách phát triển KCN của Việt Nam đã đặt ra những yêu cầu mới về chất lượng theo hướng phát triển xanh, bền vững. Các KCN không chỉ cần phát triển theo chiều rộng, mà phải đi vào chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu sang ứng dụng công nghệ cao, đổi mới mô hình, thân thiện môi trường và gắn kết chặt chẽ với phát triển vùng, liên kết các khu vực lân cận.
Phát triển KCN bền vững là xu thế tất yếu, dựa trên nền tảng quản lý, vận hành tiên tiến, ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, khoa học công nghệ. Đặc biệt hướng tới mô hình hợp tác cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn nguyên vật liệu, năng lượng đang trở thành tiêu chí quan trọng trong lựa chọn của các nhà đầu tư FDI khi quyết định địa điểm đầu tư.
Phóng viên: Ông có thể gợi mở một số giải pháp cụ thể đối với Vĩnh Phúc trong việc thu hút đầu tư, phát triển các dự án công nghệ xanh tại các KCN của tỉnh?
Ông Trần Quốc Trung: Để đáp ứng xu thế phát triển KCN sinh thái, bền vững, Vĩnh Phúc cần tập trung vào việc chuyển đổi mô hình phát triển từ các KCN truyền thống sang các KCN sinh thái mạnh hơn nữa; phát triển KCN công nghệ cao; ưu tiên thu hút các dự án đầu tư mới, có công nghệ sản xuất xanh, thân thiện môi trường.
Tỉnh cần xây dựng các tiêu chí rõ ràng để lựa chọn, ưu tiên và tạo điều kiện tối đa cho các dự án đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn về môi trường, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng hay tận dụng tối đa các nguồn năng lượng tái tạo.
Bên cạnh đó, tỉnh cần tăng cường thu hút các dự án đầu tư thuộc các ngành có liên quan, tạo thành các cụm ngành, chuỗi giá trị để hình thành các chuỗi cộng sinh công nghiệp, gắn kết chặt chẽ với nhau. Đây là mô hình giúp các doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ, tái sử dụng các phụ phẩm, chất thải trong quy trình sản xuất một cách hiệu quả, từ đó tiết kiệm đáng kể chi phí đầu vào, giảm thiểu tác động tới môi trường.
Ngoài ra, tỉnh phải đầu tư phát triển hạ tầng xã hội, cơ sở vật chất như nhà ở, trường học, bệnh viện, các tiện ích phục vụ đời sống người lao động. Đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng môi trường như hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn tập trung, cánh đồng điện gió, pin năng lượng mặt trời... nhằm xây dựng hệ sinh thái xanh cho các KCN.
Khu công nghiệp Bá Thiện II (Bình Xuyên) được xây dựng đồng bộ, thân thiện với môi trường. Ảnh: Khánh Linh
Phóng viên: Ngày 8 - 9/12, Liên Chi hội Tài chính KCN Việt Nam (VIPFA) phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Diễn đàn“Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh” tại Vĩnh Phúc. Ông có gợi mở gì để Vĩnh Phúc xây dựng thành công hệ thống KCN bền vững?
Ông Trần Quốc Trung: Tôi đánh giá cao Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu trong cả nước tổ chức Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh ”. Xanh toàn diện KCN là vấn đề lớn, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ đối với tỉnh mà còn liên quan đến các vùng và cả nước.
Để xây dựng và phát triển thành công hệ thống KCN trong cả nước, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển xanh, đạt được mục tiêu Net Zero cần có sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương, trong đó có tỉnh Vĩnh Phúc cũng như sự liên kết, kết nối giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nhau, giữa Ban quản lý KCN với các KCN và doanh nghiệp trong KCN, giữa doanh nghiệp cung ứng dịch vụ, cung ứng công nghệ và giải pháp với các doanh nghiệp sản xuất để hình thành loại hình KCN mới, ứng dụng các giải pháp mới, công nghệ mới.
Ví như không chỉ dùng chung hạ tầng giao thông, hay hệ thống xử lý nước thải, các doanh nghiệp còn dùng chung hạ tầng năng lượng sạch thay vì mỗi doanh nghiệp phải tự đầu tư những hạng mục này.
Tôi tin tưởng rằng Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện KCN và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” sẽ thành công tốt đẹp. Với việc áp dụng các giải pháp đồng bộ và sự lan tỏa từ diễn đàn, Vĩnh Phúc sẽ dẫn đầu phát triển các KCN bền vững theo xu hướng hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, từng bước giải quyết các vấn đề về tài nguyên, môi trường, xây dựng nền kinh tế bền vững, phát triển lâu dài. Vĩnh Phúc cũng sẽ đạt những kết quả tốt hơn nữa về thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mai Liên (thực hiện)