Kiến tạo hệ sinh thái công nghiệp, hướng đến khu công nghiệp (KCN) tuần hoàn, KCN sinh thái, các nhà đầu tư hạ tầng, doanh nghiệp thứ cấp trên địa bàn tỉnh khẩn trương triển khai các giải pháp, trong đó xanh hóa môi trường sản xuất theo hướng toàn diện được coi là kim chỉ nam giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Các khu công nghiệp của tỉnh dần chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, thu hút các ngành công nghiệp sạch.
Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs 2030), Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 26)... việc chuyển đổi các KCN thông thường sang KCN tuần hoàn, KCN sinh thái là hướng đi tất yếu.
Hòa mình cùng dòng chảy đó, tỉnh đã cụ thể hóa bằng các chủ trương, định hướng ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là mục tiêu lâu dài để phát triển bền vững.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hạ tầng KCN của tỉnh nhanh chóng vào cuộc, tranh thủ tốt các cơ hội, tận dụng tối đa nguồn lực, hoàn thiện hạ tầng cây xanh, đầu tư nguồn năng lượng tái tạo, tích cực chuyển đổi môi trường sản xuất.
Theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030, tỉnh sẽ có 28 KCN được quy hoạch với diện tích 4.815 ha. Hiện tại có 17 KCN được thành lập, trong đó 9 KCN đã đi vào hoạt động hiệu quả.
Tổng số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN đến ngày 15/11/2024 là 497 dự án, gồm 121 dự án đầu tư trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư gần 39 nghìn tỷ đồng và 376 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 6,8 tỷ USD.
Các KCN như Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện I, Bá Thiện II… được xây dựng theo hướng sinh thái, trở thành KCN kiểu mẫu, nhanh chóng được lấp đầy bởi các nhà đầu tư tiềm năng.
Vừa qua, dù trải qua giai đoạn đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, song các KCN này vẫn giữ chân được các nhà đầu tư, nhiều doanh nghiệp thứ cấp liên tiếp triển khai kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất, tăng vốn đầu tư, giúp thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục bứt phá.
Tính đến hết tháng 11, các KCN trên địa bàn tỉnh thu hút được 29 dự án FDI mới và 38 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 493 triệu USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 141% kế hoạch năm 2024; thu hút 14 dự án trong nước và 7 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 4.517 tỷ đồng, bằng 72% về vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2023 và đạt 301% kế hoạch năm 2024.
Đây là những con số ấn tượng, cho thấy hiệu quả mang lại khi các KCN, doanh nghiệp của tỉnh chuyển đổi theo hướng sản xuất xanh, tuần hoàn.
Tìm hiểu tại KCN Bá Thiện II (Bình Xuyên), từ khi KCN còn là những đồi đất hoang vu và những thửa ruộng khó canh tác, Công ty cổ phần Vina - CPK đã xác định đầu tư xây dựng một KCN có hạ tầng đồng bộ, thân thiện với môi trường.
Công ty cổ phần điện tử Thiên Quang (Bình Xuyên) triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sự phát triển bền vững.
Sau 15 năm phát triển, KCN Bá Thiện II đã trở thành KCN đồng bộ, hiện đại, xanh tươi với gần 80 nhà đầu tư đang sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Trong đó chủ yếu là các nhà đầu tư FDI đến từ nhiều thương hiệu lớn trên thế giới.
Ông Trịnh Văn Quang, Giám đốc Phát triển dự án, Công ty cổ phần Vina - CPK (chủ đầu tư hạ tầng KCN Bá Thiện II) cho biết: “Vĩnh Phúc có rất nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp. Thực tế cho thấy, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả ấn tượng khi từ một tỉnh mới thành lập, ngành công nghiệp còn rất hạn chế, đến nay đã trở thành tỉnh luôn thuộc top đầu về đóng góp ngân sách cho quốc gia.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định rằng không phải KCN nào cũng đạt được thành công như kỳ vọng. Một số dự án hạ tầng KCN trong tỉnh mặc dù đã được quy hoạch và thành lập, nhưng sau một thời gian dài vẫn chưa tận dụng được những lợi thế, chưa phát huy được tiềm năng của tỉnh để triển khai và thu hút đầu tư một cách có hiệu quả”.
Để sẵn sàng đón sóng đầu tư FDI đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, các nhà đầu tư hạ tầng KCN của tỉnh cần nhanh chóng bắt kịp xu hướng khi thu hút FDI trên thế giới đang thay đổi từng ngày theo hướng xanh, bền vững, công nghệ cao, công nghệ mới...
Cùng với đó, các nhà đầu tư thứ cấp cần nỗ lực hơn nữa, nhanh chóng chuyển đổi sản xuất, triển khai các giải pháp xanh toàn diện, xanh hóa từng công đoạn sản xuất, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển khi tỉnh thu hút được các dự án mới, từ đó củng cố, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa của tỉnh, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bài, ảnh: Chu Kiều