Nhằm kiến tạo, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ với sản xuất, kinh doanh. Qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Công ty cổ phần nước Ion One Việt Nam, phường Hội Hợp (Vĩnh Yên) đầu tư thiết bị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Thế Hùng
Vĩnh Phúc là nơi khởi nguồn tư duy đổi mới quản lý nông nghiệp, nông thôn với phương thức “khoán hộ” táo bạo, đột phá của cố Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc vào cuối những năm 60, 70 của thế kỷ XX. Đây là động lực để khơi nguồn, phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh xuyên suốt các giai đoạn.
Xác định lấy khoa học và công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo làm nền tảng để phát triển, từng bước xây dựng Vĩnh Phúc trở thành tỉnh trọng điểm về hoạt động KH&CN, có sức lan tỏa đến các tỉnh trong vùng trung du, miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng, những năm qua, tỉnh luôn quan tâm khai thác, phát huy tiềm năng KH&CN; xây dựng các đề tài, dự án ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, qua đó tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.
Lũy kế đến ngày 30/9/2024, toàn tỉnh có 2.260 doanh nghiệp đăng ký tham gia Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến (VPTEX) với gần 4.200 sản phẩm chào bán, 10.423 link liên kết từ các máy tính khác trên Internet tìm kiếm các sản phẩm, dây chuyền thiết bị; hướng dẫn, tư vấn cho hơn 1.000 doanh nghiệp qua tổng đài VPTEX.
Thị trường KH&CN có bước phát triển thể hiện qua việc nhiều doanh nghiệp đã ký kết các hợp đồng chuyển giao công nghệ hằng năm, đầu tư đổi mới công nghệ, nhất là các doanh nghiệp FDI với giá trị ước tính tăng trung bình 16,5%/năm.
Trong hội nhập quốc tế về KH&CN, tỉnh đã cử nhiều cán bộ, viên chức đi học tập các nước trên thế giới, đặc biệt về việc hợp tác đào tạo, bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên tiếng Anh các trường THCS và THPT của tỉnh; đa dạng hóa các hình thức, tài liệu đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp thông qua công nghệ số, mạng xã hội, các kênh truyền thông; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực quản trị công nghệ và quản lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất, kinh doanh... qua đó giúp các doanh nghiệp nâng cao trình độ công nghệ, gia tăng sản phẩm, giảm giá thành, đem lại hiệu quả kinh tế cao như Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc - Vinphaco (Vĩnh Yên), Công ty cổ phần Tập đoàn sản xuất thép Việt Đức (Bình Xuyên), Công ty TNHH Vito (Tam Dương), Công ty Honda Việt Nam, Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam...
Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm linh kiện điện tử đã sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao tham gia vào các chuỗi sản xuất đa quốc gia như Công ty cổ phần Bang Joo Electronics Việt Nam, Công ty TNHH Haesung Vina, Công ty TNHH BHFLEX VINA, Công ty TNHH Cammsys Việt Nam và Công ty TNHH Solum Vina.
Hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ. Hạ tầng mạng viễn thông truyền dẫn đã được cáp quang hóa 100%, kết nối đến tất cả các xã, phường, thị trấn, thôn, xóm trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh được đầu tư tương đối đồng bộ về công nghệ, quản lý tập trung, trang bị hệ thống bảo mật bảo đảm an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã bảo đảm linh hoạt, thuận tiện, góp phần tiết kiệm thời gian, kinh phí. Tỉnh cũng đã triển khai phần mềm quản lý văn bản tập trung cho các cơ quan, đơn vị và 136 UBND xã, phường, thị trấn. Phần mềm đã kết nối liên thông với các bộ, ngành Trung ương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia, tích hợp chữ ký số chuyên dùng của Chính phủ. Ngoài ra, rất nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được sử dụng đã tạo ra dữ liệu phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chuyên môn, nghiệp vụ.
Nhờ đổi mới sáng tạo ứng dụng KH&CN vào sản xuất, năm 2022, Vĩnh Phúc được bình chọn, chứng nhận là 1 trong 3 tỉnh trong cả nước đạt danh hiệu “Địa phương tiêu biểu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp”.
Với mục tiêu đến năm 2030, KH&CN và đổi mới sáng tạo của tỉnh trở thành động lực tăng trưởng, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước, tỉnh tiếp tục triển khai các nền tảng đổi mới sáng tạo, mạng lưới đổi mới sáng tạo nhằm thu hút mọi nguồn lực đầu tư trong tỉnh và ngoài tỉnh tạo ra các công nghệ mới, sản phẩm mới, hình thành doanh nghiệp mới; đẩy mạnh chuyển giao tri thức, đào tạo nhân lực KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Mai Liên