Những ngày này, trên các cánh đồng trồng đào ở phường Tiền Châu, thành phố Phúc Yên, nông dân đang tất bật tuốt lá cho cây ra hoa đúng vụ. Năm nay, do ảnh hưởng bão số 3, nhiều vùng trồng đào ở thành phố Hà Nội bị ngập, diện tích đào ở Tiền Châu cũng thiệt hại nhẹ nên dự báo thị trường sẽ khan hiếm đào và mức giá cũng cao hơn. Còn 2 tháng nữa là Tết Nguyên đán, người trồng đào đang tích cực chăm sóc cây trồng với mong muốn gặt hái được mùa vàng bội thu.
Mặc dù gắn bó với nghề trồng đào lâu năm, có kinh nghiệm dày dặn trong việc chăm sóc cây nhưng không nông dân nào dám khẳng định năm nay đào có đẹp hay ra hoa đúng vụ không?
Thậm chí, theo nhiều nông dân, đầu tháng 12 âm lịch vẫn chưa cầm chắc vụ mùa thắng lợi, bởi thiên tai luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chỉ cần thời tiết nắng to, mưa lớn kéo dài 1 tuần là người trồng đào không kịp trở tay. Thế nên, tâm trạng của người trồng đào luôn phấp phỏng từ nay đến Tết Nguyên đán.
Nghề trồng đào tuy vất vả nhưng có thể mang lại khoản thu hàng trăm triệu đồng/năm cho các hộ dân phường Tiền Châu.
Hiện nay, phường Tiền Châu có khoảng 15ha trồng đào với hơn 100 hộ. Nông dân chủ yếu trồng đào cành, ít đào thế nên việc canh tác không đòi hỏi cao về kỹ thuật nhưng phụ thuộc nhiều vào thời tiết.
Áp Tết, những cành đào được nông dân cắt sát gốc đem bán. Sau đó, những gốc đào này nảy mầm, lên nhánh và được chăm sóc kỹ lưỡng để bán.
Cần mẫn đứng hàng giờ tuốt lá đào, ông Phạm Ngọc Lập, phường Tiền Châu cho biết: “Nhà tôi có 2 sào ruộng trồng đào với 350 gốc và đang trong giai đoạn tuốt lá. Phải sang đầu tháng 12, các hộ mới xuống đồng tuốt lá rộ. Việc tuốt lá phải được thực hiện đúng thời gian để đào ra mắt và nụ hoa to đẹp đúng dịp Tết. Năm nay, do ảnh hưởng bão số 3 nên đào phát triển kém hơn năm ngoái, chưa kể những diện tích bị gãy, đổ. Thời tiết thất thường nên khó đoán định, đánh giá cây trồng. Tuy nhiên, phải khẳng định, thị trường đào Tết năm nay sẽ khan hiếm, đắt hơn năm ngoái do nhiều vùng trồng đào thất thu”.
Thông thường, mỗi gốc đào được nông dân sử dụng 5-6 năm, sau đó thay cây mới. Tùy vào chất lượng cây, những cành đào đẹp được bán tại ruộng từ 200.000-400.000 đồng/cành, cành nhỏ hoặc kém hoa hơn có giá từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng/cành. Tính trung bình, mỗi sào trồng đào cho thu nhập 60-100 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Văn Minh, phường Tiền Châu cho biết: “Thời điểm này, gia đình tôi có 400 gốc đào, giảm hơn 50 gốc so với năm trước do ảnh hưởng bão số 3. Nhìn chung, các ruộng đào tại địa phương năm nay không đẹp bằng năm ngoái nhưng khả năng giá thành sẽ cao hơn vì nhiều vùng trồng đào ở Hà Nội thất thu. Từ nay đến Tết Nguyên đán, nông dân phải tăng tốc chăm sóc để cây ra hoa đúng độ và bán được giá”.
Cũng theo ông Minh, giai đoạn tuốt lá rất quan trọng, người trồng cần tính toán kỹ lưỡng bởi tuốt lá sớm hay muộn đều ảnh hưởng đến chất lượng cây. Mỗi người trồng đào sẽ có kinh nghiệm riêng để nhận biết thời điểm thích hợp để tuốt lá hay để đào tự xuống lá. Các công đoạn tuốt lá đòi hỏi sự tỉ mỉ, được thực hiện theo phương pháp thủ công. Tuốt lá không được gây hại đến các mắt hoa, bởi đây là những nụ hoa chuẩn bị nở. Nếu chưa thành thạo, cần tuốt từng lá đào, không nên tuốt lá thẳng từ đọt xuống, nếu không sẽ ảnh hưởng đến các mầm nụ.
Thông thường, đào sẽ được tuốt lá trước thời điểm Tết khoảng 45 ngày, nhưng cũng có giống phải tuốt trước 90 ngày. Đào hạt tuốt đầu tiên, sau đến đào bích rồi đến đào phai. Với 400 cây đào, nhà ông Minh phải mất 3-4 ngày để tuốt lá. Tuốt lá, buộc cành đào… là những công đoạn vất vả nhất của người nông dân trong năm. Nếu tuốt lá đúng thời điểm, cộng với thời tiết thuận lợi thì đào sẽ ra hoa đúng dịp Tết. Tuy nhiên, khí hậu năm nay có nhiều yếu tố thất thường khiến các hộ gia đình vừa chăm sóc đào vừa thấp thỏm "ngóng" thời tiết.
Thông thường, từ ngày 15-25 Tết, trên những cánh đồng trồng đào ở phường Tiền Châu đã tấp nập tiểu thương, khách thập phương đến mua đào Tết. Những năm gần đây, nhiều nông dân còn trồng thêm cả hoa cúc, hồng… xen kẽ khiến cả cánh đồng Tiền Châu rực rỡ sắc hoa Xuân.
Chưa kể, nhiều thương lái còn chở những chuyến hàng hoa từ xuôi lên tập kết và bán tại chân ruộng, biến nơi đây như một chợ hoa thu nhỏ. Điều này khiến không khí mua sắm hoa, cây cảnh ở địa phương sôi động cả ngày lẫn đêm.
Do đó, với những người trồng đào ở Tiền Châu, ai cũng có tâm lý ngóng đợi Tết đến, Xuân về; mong muốn thời tiết thuận hòa để hoa đào nở đúng vụ. Có như vậy, nông dân mới được gặt hái mùa vàng, bù đắp công sức vất vả, một nắng hai sương chăm sóc cây đào suốt 1 năm trời ròng rã.
Bài, ảnh: Hà Trần