Nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok với công việc bán hàng online thu nhập "khủng", chị Lê Nguyễn Mỹ Huyền còn hết lòng với công tác an sinh xã hội, nhất là chăm lo học sinh nghèo. Chị Huyền được T.Ư Đoàn trao Giải thưởng Lương Định Của.
Quảng bá nông sản địa phương qua TikTok
Chị Lê Nguyễn Mỹ Huyền (27 tuổi, ngụ ấp Trà On, xã Huyền Hội, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) nổi tiếng trên TikTok với tên tài khoản "Huyền Phi", có hơn 2,1 triệu người theo dõi và hơn 70 triệu lượt thích.
Chị Lê Nguyễn Mỹ Huyền với sản phẩm patê đang xét công nhận sản phẩm OCOP.
Chị Huyền cho biết ông bà và cha mẹ chị đều xuất thân từ nghề nông, chủ yếu là trồng lúa. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị lên TP.HCM làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình, sau đó trở về quê, làm việc trong một công ty gần nhà.
"Khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty ngưng hoạt động, tôi bén duyên với mạng xã hội và bắt đầu sáng tạo nhiều video clip nấu ăn trên các nền tảng mạng xã hội. Nắm bắt được xu hướng và lợi thế bán hàng online, cuối năm 2021, tôi quyết định nghỉ việc, tập trung đầu tư, xây dựng các kênh trên các nền tảng mạng xã hội. Cuối năm 2022, tôi cùng gia đình nghiên cứu làm ra nhiều sản phẩm đặc sản địa phương để kinh doanh như: mứt chùm ruột (hiện đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao); trái dừa sáp, patê - chả nguội…", chị Huyền nhớ lại.
Chị Huyền cho biết phiên livestream bán hàng đầu tiên trên TikTok, chị bán được hơn 10 hũ mứt chùm ruột. Dần nhận thấy nhu cầu của khách hàng về loại mứt này, chị bắt đầu thu mua chùm ruột của người dân địa phương về đông lạnh để làm mứt và lấy thêm dừa sáp về bán. Số lượng đơn hàng ngày càng tăng, mứt làm ra không đủ bán. Chị liên hệ và được UBND xã Huyền Hội hướng dẫn làm nhà xưởng sản xuất mứt, patê… Nhà xưởng có diện tích hơn 250 m2 được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm.
"Sau khi tôi chốt đơn trên mạng xã hội, sản phẩm sẽ được đóng gói cẩn thận rồi vận chuyển đi toàn quốc, góp phần lan tỏa nông sản tỉnh nhà đến mọi miền Tổ quốc. Khi livestream bán dừa sáp trong phiên đầu tiên, tôi bán được hơn 2.000 trái, với 1.800 đơn hàng. Chỉ trong vòng 1 tháng, tôi bán hơn 15.000 trái dừa sáp và 5 tấn mứt chùm ruột, tương đương với 10.000 đơn hàng, doanh thu khoảng 1,5 tỉ đồng. Cuối năm 2023, đầu năm 2024, tôi bắt đầu sản xuất patê (đã được cấp chứng nhận đủ điều kiện sản xuất kinh doanh - PV) và mở bán sản phẩm này. Trong vòng 1 tháng bán được 10 tấn patê", chị Huyền phấn khởi cho biết.
Hết lòng với công tác an sinh xã hội
Hiện tại, cơ sở của chị Huyền có khoảng 30 lao động, thu nhập mỗi người từ 4 - 10 triệu đồng/tháng, tùy công việc và được hỗ trợ cơm trưa. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị có sản phẩm tiếp cận với sàn thương mại điện tử và sẵn sàng hỗ trợ livestream quảng bá sản phẩm cho các cơ sở. Cụ thể, phiên live ngày 26.9 tại Hội nghị kết nối cung - cầu giữa TP.HCM và các tỉnh thành năm 2024 của Sở Công thương TP.HCM, trong vòng 3 giờ bán được 1.000 sản phẩm với doanh thu hơn 168 triệu đồng, tiếp cận được 1,1 triệu người xem.
Hiện chị Huyền liên kết với nông dân địa phương có đất sản xuất kém hiệu quả chuyển sang trồng chùm ruột với tổng diện tích khoảng 4 ha. Nông dân được chị hỗ trợ cây giống, cách chăm sóc và bao tiêu đầu ra.
Chị Huyền cho biết từ năm 2023 đến nay, tổng doanh thu bán hàng trên các sàn thương mại điện tử đạt khoảng 10 tỉ đồng, lợi nhuận khoảng 2,2 tỉ đồng. Ngoài ra, chị còn hỗ trợ quảng bá thêm các loại đặc sản khác của địa phương. Mới đây, chị được Hội Liên hiệp thanh niên VN tỉnh Trà Vinh tặng bằng khen vì thành tích tiêu biểu trên các lĩnh vực năm 2024. Đặc biệt, cuối tháng 11 này, chị sẽ nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2024.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Văn Nguyên, Phó chủ tịch UBND xã Huyền Hội, cho biết cơ sở của chị Huyền là nơi hiếm hoi được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm loại A khi xét lần đầu. Ngoài việc kinh doanh tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, chị rất tích cực trong công tác an sinh xã hội. Mỗi dịp lễ tết, chị đều tổ chức tặng quà cho các hộ dân khó khăn ở địa phương.
"Đặc biệt chị Huyền rất quan tâm chăm lo cho các học sinh nghèo ở địa phương, mỗi năm đều tặng 1 căn nhà và rất nhiều học bổng. Tổng giá trị phúc lợi hằng năm của chị cho địa phương khoảng 100 triệu đồng. Đáng chú ý, vừa qua khi nhận được tiền hỗ trợ sản phẩm OCOP mứt chùm ruột, chị đã tặng lại cho Hội khuyến học của huyện. Hiện tại, Hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP của huyện đang xét công nhận thêm 2 sản phẩm của chị Huyền là patê và patê trứng muối", ông Nguyễn Văn Nguyên thông tin thêm.
Vũ Hương ( Theo thanhnien.vn)