Nghị định số 113 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (sửa đổi) năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1/11/2024 với nhiều chính sách hỗ trợ cụ thể, được kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo nền tảng để kinh tế tập thể (KTTT) phát triển bền vững.
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Vĩnh Phúc đã xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ KTTT phù hợp với tình hình thực tế như Xây dựng Đề án phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 04 ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh về việc ban hành một số chính sách hỗ trợ phát triển KTTT trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc...
Theo đó, tỉnh chỉ đạo các ban, ngành chức năng, địa phương tập trung vào một số nội dung quan trọng nhằm hỗ trợ khu vực KTTT phát triển theo đúng định hướng, quan điểm của Đảng như tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ vốn, giống cây, con, liên kết sản xuất, quảng bá thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ giải thể, thành lập mới, chuyển đổi mô hình hoạt động của các HTX...
Sản phẩm từ Đông trùng hạ thảo của HTX Nấm Tam Đảo được sản xuất trên dây chuyền hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Nhờ đó, khu vực KTTT của tỉnh những năm qua có nhiều đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế bền vững, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp; đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng đến phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn; tham gia tích cực trong xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững...
Đến nay, toàn tỉnh có 20 Tổ hợp tác, 2 Liên hiệp HTX và hơn 840 HTX với hơn 47.600 thành viên. Dư nợ cho vay lĩnh vực KTTT đạt gần 130 tỷ đồng. Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho 25 HTX với số tiền 24 tỷ đồng để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm...
Tuy nhiên, phát triển KTTT nói chung, HTX nói riêng trên địa bàn tỉnh vẫn gặp những khó khăn. Năng lực sản xuất, kinh doanh, chất lượng nguồn nhân lực còn yếu; hệ thống cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật lạc hậu; vướng mắc trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ về vốn, đất đai do không có tài sản thế chấp; khó khăn trong việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường...
Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang bùng nổ mạnh mẽ, những tác động xấu thời hậu Covid-19, thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, biến đổi khí hậu phức tạp... khiến các HTX càng gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể hóa các nội dung được nêu tại Luật HTX năm 2023, ngày 12/9/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 113 quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2024). Đây được coi là căn cứ quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thuận lợi và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cấp.
Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm; hướng đến phát huy bản chất, nguyên tắc, giá trị của mô hình HTX. Thúc đẩy khu vực KTTT phát triển năng động, hiệu quả, bền vững trong tình hình mới; xây dựng hệ sinh thái các tổ chức kinh tế hợp tác sâu rộng, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống cho các thành viên...
Theo đó, Nghị định quy định rõ một số chính sách hỗ trợ các Tổ hợp tác, HTX và Liên hiệp HTX như hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ thông tin; hỗ trợ xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tư vấn; hỗ trợ nhân rộng mô hình HTX, Liên hiệp HTX hoạt động hiệu quả; hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; hỗ trợ tiếp cận và nghiên cứu thị trường; hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, trang thiết bị; hỗ trợ tư vấn tài chính và đánh giá rủi ro; hỗ trợ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp...
Nghị định cũng hướng dẫn chi tiết nội dung bổ sung thêm quyền đối với HTX, Liên hiệp HTX được đưa ra trong Luật HTX năm 2023, đó là “quyền cho vay nội bộ”. Đây là nội dung mới và chưa từng được áp dụng trước đây, cho phép các HTX, Liên hiệp HTX được vay, cho vay vốn nội bộ với mức cho vay và thời hạn vay, lãi suất khoản vay, kỳ hạn thanh toán và gia hạn cụ thể khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định.
Ngoài ra, một điểm mới nữa của Nghị định 113 đó là quy định rõ việc xử lý tài sản quỹ chung không chia khi HTX giải thể, phá sản. Trong đó, nêu lên những nội dung quan trọng liên quan đến việc rà soát và xử lý tài sản, vốn, quỹ của HTX, Liên hiệp HTX khi giải thể; những phương thức, quy trình xử lý quỹ chung không chia và tài sản chung không chia...
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, trong đó KTTT được xác định là động lực quan trọng bởi đây là thành phần kinh tế có vai trò chủ chốt trong việc cải thiện và nâng cao đời sống cho người lao động, góp phần thay đổi tư duy trong quá trình phát triển các mô hình sản xuất khu vực nông thôn.
Có thể nói, Luật HTX năm 2023 đã mở hướng khắc phục nhiều rào cản trong phát triển KTTT và việc triển khai những quy định, hướng dẫn theo Nghị định 113 của Chính phủ sẽ góp phần đồng bộ hóa các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KTTT trong thời gian tới.
Việt Sơn