Trước tình hình thiên tai ngày càng diễn biễn phức tạp, khó lường, để chủ động ứng phó với các tình huống có thể xảy ra, ngành Y tế tỉnh đã xây dựng kế hoạch và các phương án ứng phó, khắc phục, hạn chế rủi ro, thiệt hại ở mức thấp nhất, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe của người dân trong mọi tình huống.
Nhằm ngăn ngừa, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân trong mọi tình huống do thiên tai, thảm họa gây ra, hằng năm, ngành Y tế tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN).
Trên cơ sở kế hoạch và nhiệm vụ được giao, các đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến cơ sở kiện toàn, củng cố hệ thống PCTT&TKCN tại đơn vị; duy trì hệ thống thông tin liên lạc giữa các tuyến, khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai, bão lũ gây ra.
Lãnh đạo Sở Y tế kiểm tra công tác y tế và phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương khi xảy ra ngập lụt. Ảnh: Dương Chung
Đặc biệt, khi có dự báo hoặc xảy ra thiên tai, bão lũ, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp từ Sở Y tế đến các đơn vị tuyến tỉnh, huyện, xã đều phải thực hiện chế độ thường trực, trực ban, trực chỉ huy 24/24h khi có yêu cầu, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ để theo dõi sát tình hình diễn biến thiên tai, bão lũ và thảm họa; chỉ đạo và triển khai các hoạt động chuyên môn, khắc phục kịp thời hậu quả do thiên tai gây ra.
Với phương châm “4 tại chỗ” - Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, các đơn vị y tế trong toàn tỉnh kiện toàn các đội cấp cứu lưu động, đội phòng, chống dịch cơ động, đảm bảo đủ cán bộ chuyên môn, thuốc, thiết bị y tế, hóa chất, phương tiện di chuyển; tổ chức ứng trực, sẵn sàng cấp cứu, điều trị kịp thời cho nạn nhân; xử lý môi trường trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai, thảm họa, đáp ứng với mọi tình huống thiên tai, bão lũ, thảm họa có thể xảy ra.
Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh có nhiệm vụ thu dung, sơ cứu, cấp cứu kịp thời nạn nhân; nếu vượt quá khả năng xử trí có thể kết nối với bệnh viện tuyến trên xin hỗ trợ về chuyên môn hoặc chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị; chỉ đạo đội cấp cứu lưu động của bệnh viện tham gia cấp cứu nạn nhân khi có yêu cầu.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố là đơn vị đầu mối báo cáo thông tin và tổ chức các hoạt động phối hợp giữa các đơn vị y tế đóng trên cùng địa bàn; điều động đội cấp cứu lưu động sơ cứu tại chỗ, nơi có nạn nhân bị thương, bị bệnh và nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất.
Nếu nhân dân vùng bị thiên tai, lụt, bão, ngập úng phải sơ tán, đội ngũ cán bộ y tế phải bám sát dân và đảm bảo nguyên tắc “Nơi nào có dân sơ tán, nơi đó có cán bộ y tế phục vụ”.
Ngoài ra, luôn chú ý triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tổ chức thực hiện các biện pháp khử trùng, tiêu độc, xử lý vệ sinh môi trường trước và sau khi xảy ra lụt, bão, thiên tai; hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp tự cung cấp nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh; hạn chế xảy ra dịch bệnh; đảm bảo an toàn về người và tài sản tại các cơ sở y tế.
Tháng 9 vừa qua, ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn tại nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, dẫn đến tình trạng ngập lụt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, rà soát, sẵn sàng, chủ động triển khai các phương án ứng trực, ứng phó về y tế và công tác phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường trước, trong, sau mưa lớn và tại các nơi xảy ra ngập lụt.
Để đảm bảo công tác y tế cho nhân dân ở các nơi xảy ra ngập lụt, Trung tâm Y tế các huyện Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch đã chủ động báo cáo, tham mưu chính quyền địa phương bảo đảm dự trữ, cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu sẵn sàng cấp cứu cho người bệnh.
Thành lập Trạm y tế lưu động tại những địa bàn phù hợp để kịp thời chăm sóc sức khỏe cho những người dân cần hỗ trợ về y tế; vận động, động viên những người dân trong vùng bị cô lập, đặc biệt là người già, trẻ em, người có bệnh lý nền di chuyển ra ngoài vùng lũ, đến điểm tránh trú an toàn để kịp thời tiếp cận các dịch vụ y tế khi cần thiết.
Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực, tổ chức cấp cứu kịp thời cho người bị nạn, giảm thiểu thiệt hại về người; đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về cách phòng, chống một số bệnh thường gặp sau mưa bão, lũ lụt và các biện pháp đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; giám sát, xử lý triệt để các ổ dịch bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra…
Làm tốt công tác chuẩn bị về phương tiện, thuốc, vật tư, nhân lực ứng phó với mưa bão, đến nay, trên địa bàn tỉnh không phát sinh dịch bệnh sau bão, sức khỏe người dân được bảo vệ.
Nhằm đảm bảo các hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống thiên tai, thảm họa có thể xảy ra, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị y tế trực thuộc luôn chủ động trong mọi tình huống, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, cơ số thuốc, hóa chất, phương tiện, trang thiết bị y tế, dụng cụ cần thiết.
Nâng cao nhận thức, kỹ năng của đội ngũ cán bộ y tế trong các các tình huống thiên tai, thảm họa; bảo vệ an toàn tính mạng của người bệnh, nhân dân; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai, thảm họa gây ra.
Minh Nguyệt