Nhằm nâng cao hiệu quả điều hành của bộ máy chính quyền, Thành ủy, UBND thành phố Phúc Yên quyết liệt triển khai các giải pháp chuyển đổi số, xây dựng hạt nhân cơ sở, từng bước hình thành các trụ cột của chính quyền điện tử, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Nhận giấy tờ chứng thực, anh Nguyễn Văn Minh, công dân phường Hùng Vương (Phúc Yên) vui vẻ cho biết: “Thái độ phục vụ của đội ngũ công chức tại phường ngày càng chuyên nghiệp hơn, thời gian xử lý văn bản hành chính cũng được cải thiện, người dân chúng tôi cảm nhận điều đó rõ nhất bởi thường xuyên phải thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC). Trước kia, chỉ riêng bước tiếp nhận văn bản, hồ sơ đã tốn rất nhiều thời gian, có khi phải chờ cả buổi sáng mới nhận được giấy tờ”.
Hướng đến sự chuyên nghiệp, xây dựng chính quyền điện tử từ những hạt nhân cơ sở, ngay từ đầu năm, UBND thành phố Phúc Yên yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các nhiệm vụ cải cách hành chính của Nhà nước theo chỉ đạo của Trung ương, tỉnh và thành phố.
Cán bộ bộ phận một cửa liên thông phường Hùng Vương hỗ trợ công dân thực hiện các thủ tục hành chính.
Kịp thời triển khai thực hiện kế hoạch cải cách hành chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao, đảm bảo đầy đủ nội dung. Rà soát, đơn giản hóa TTHC, công khai, công bố TTHC theo quy định. Cán bộ bộ phận một cửa liên thông tại các xã, phường tích cực nâng cao nhận thức, trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, luôn có thái độ phục vụ chuyên nghiệp, ân cần khi hỗ trợ công dân.
Các TTHC thường xuyên thực hiện giao dịch tại bộ phận một cửa thuộc các lĩnh vực địa chính - xây dựng, văn hóa - lao động, thương binh và xã hội, tư pháp - hộ tịch, chứng thực được triển khai trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.
Cùng với đó, UBND thành phố tích cực cải cách công vụ, thực hiện phê duyệt vị trí việc làm, bản mô tả công việc, khung năng lực vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Bộ Nội vụ và các bộ, ngành Trung ương.
Theo đại diện Phòng Nội vụ thành phố Phúc Yên, cải cách TTHC chỉ là một trong số nội dung quan trọng cần thực hiện, có thể đánh giá qua những con số cụ thể. Tuy nhiên, để cải cách hành chính đạt hiệu quả cao, đi vào thực chất, nhất là trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, cần phải có sự cố gắng của cả người dân và chính quyền. Có cán bộ số khi có công dân số, bởi TTHC trên môi trường điện tử ở mức độ 3 hay mức độ 4 chỉ vận hành hiệu quả khi cả cán bộ và công dân đủ khả năng tiếp nhận, xử lý.
Đến nay, trên địa bàn thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử, hoàn thành việc nâng cấp chức năng kết nối, đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia mới về TTHC với Cổng dịch vụ công của tỉnh để đăng tải công khai 2.010 TTHC.
Từ ngày 1/1/2024 đến ngày 31/10/2024, UBND thành phố Phúc Yên đã tiếp nhận 14.153 hồ sơ, trong đó đã giải quyết trước và đúng hạn 13.198 hồ sơ, đạt 93,25%. Thống kê dịch vụ công trực tuyến các sở, ngành tiếp nhận và giải quyết 10 tháng đầu năm, tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến đạt 98,92%; tỷ lệ hồ sơ chậm, muộn giảm so với năm 2023.
Không chỉ ở khối chính quyền, để xây dựng chính quyền điện tử, các tổ chức Đảng trên địa bàn thành phố tích cực vào cuộc, góp phần xây dựng và hình thành các cán bộ số ngay tại cơ sở.
Ông Vũ Trí Đức, Phó Chánh Văn phòng Thành ủy Phúc Yên chia sẻ: Với quyết tâm xây dựng chính quyền điện tử, mỗi đảng viên nêu cao vai trò tiên phong; các chi, Đảng bộ trực thuộc trên địa bàn đã nhanh chóng vào cuộc, tạo sức lan tỏa trong tổ chức Đảng và quần chúng nhân dân.
Sau hơn 1 năm áp dụng phần mềm Quản lý văn bản và điều hành iOffice, đến nay 100% các chi, Đảng bộ trực thuộc đã áp dụng thành thạo, ký số đạt 100%. Một số chi, Đảng bộ như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các chi bộ khối cơ quan, doanh nghiệp… đã được cấp tài khoản, liên kết với phần mềm quản lý, tạo sự đồng bộ, hình thành thói quen xử lý văn bản trên môi trường điện tử.
Mỗi đảng viên tự nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, dần dần làm quen, trở thành những công dân số, từ đó làm chủ công nghệ, tương tác với chính quyền trên môi trường điện tử.
Dù vẫn còn hồ sơ chậm muộn, chủ yếu ở lĩnh vực đất đai do những tồn tại và vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Đất đai năm 2024, song với những nỗ lực của chính quyền, đảng viên và nhân dân trên địa bàn thành phố Phúc Yên, công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử đã và đang đi đúng hướng, tiến tới hoàn thiện chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng phục vụ, đem đến sự hài lòng cho người dân trên địa bàn.
Bài, ảnh: Chu Kiều