Luôn tiên phong, đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ, đưa con giống mới vào chăn nuôi, đến nay, cựu chiến binh Phùng Văn Sơn, thôn Giếng Mát, xã Hướng Đạo (Tam Dương) không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động địa phương.
Mô hình nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp trứng của gia đình cựu chiến binh Phùng Văn Sơn thu lãi hơn 500 triệu đồng/năm.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo, từ nhỏ, Phùng Văn Sơn đã có tính tự lập, cần cù và chịu khó.
Tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Sơn tình nguyện xung phong lên đường nhập ngũ. Năm 1983, hoàn thành nghĩa vụ, ông xuất ngũ trở về địa phương.
Cũng như nhiều hộ trong xã, thời gian này, kinh tế gia đình ông rất khó khăn, vất vả. Phát huy bản chất người lính Cụ Hồ, ông Sơn bươn chải đủ nghề để mưu sinh nhưng cuộc sống vẫn thiếu trước, hụt sau.
Với quyết tâm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế ngay trên mảnh đất quê nhà, năm 2002, ông Sơn đầu tư, xây dựng chuồng trại nuôi 500 con gà thương phẩm. Nhờ cần cù, chăm chỉ, tích lũy kinh nghiệm, đưa con giống mới, chất lượng vào chăn nuôi, mô hình khởi nghiệp của gia đình ông ngày càng phát triển, cho thu nhập cao.
Năm 2012, khi giá gà thương phẩm bấp bênh, nhiều hộ chăn nuôi phải “treo chuồng”, ông Sơn chuyển sang nuôi gà đẻ; đồng thời đầu tư 7 lò ấp trứng. Nhờ đó không chỉ đảm bảo đầu ra cho hàng chục nghìn gà đẻ của gia đình mà còn cung cấp con giống chất lượng cho các hộ chăn nuôi trong và ngoài xã.
Ông Sơn chia sẻ: Nuôi gà đẻ kết hợp lò ấp không khó nhưng để đem lại hiệu quả kinh tế cao, người nuôi cần nắm chắc kỹ thuật, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị hiện đại để trứng nở đạt tỷ lệ cao. Đồng thời nắm bắt thị trường, linh hoạt, sáng tạo trong việc đầu tư công nghệ, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Để góp phần thúc đẩy phát triển năng lượng xanh, thân thiện với môi trường, năm 2016, ông Sơn đầu tư 2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời phục vụ chăn nuôi và sinh hoạt hằng ngày của gia đình.
Sau gần 8 năm sử dụng điện năng lượng mặt trời, mô hình cho thấy nhiều lợi ích thiết thực. Nếu như trước đây, để vận hành 7 lò ấp trứng, 3 khu chuồng nuôi, gia đình phải chi phí từ 20 - 25 triệu đồng tiền điện/tháng thì hiện nay đã giảm đáng kể.
Để trứng gà ấp nở đạt tỷ lệ cao, tạo uy tín với khách hàng, cựu chiến binh Phùng Văn Sơn thường xuyên kiểm tra, theo dõi nhiệt độ lò ấp.
Nguồn điện mặt trời áp mái rất ổn định, không phụ thuộc hoàn toàn vào điện lưới quốc gia. Đặc biệt, gia đình có thêm nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm nhờ bán điện thừa cho Nhà nước.
Theo ông Sơn, sử dụng điện mặt trời áp mái rất phù hợp với các hộ chăn nuôi kết hợp lò ấp trứng, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Từ khi sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời đến nay, gia đình cũng chưa phải bảo trì, sửa chữa thiết bị, thời gian khấu hao lên đến 25 năm.
Nhờ mạnh dạn đầu tư, đưa công nghệ, con giống mới vào chăn nuôi, hiện nay, gia đình ông Sơn thường xuyên duy trì hơn 10 nghìn gà đẻ, 300 đôi chim bồ câu và 7 lò ấp trứng.
Trung bình 1 tháng, gia đình ông cung cấp 15.000 - 20.000 con gà giống, thị trường tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước, trong đó tập trung ở tỉnh Yên Bái, Phú Thọ và Thái Nguyên. Mỗi năm, gia đình thu lãi hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm cho 3 lao động tại địa phương với thu nhập bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.
Ông Lỗ Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hướng Đạo cho biết: Không chỉ chăn nuôi giỏi, ông Sơn luôn tiên phong đi đầu trong các phong trào, hoạt động của địa phương, tích cực chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ các hộ chăn nuôi vượt khó, ổn định cuộc sống.
Thời gian tới, xã tăng cường công tác tuyên truyền, tạo điều kiện để người dân trong xã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây, con giống mới vào sản xuất và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Bài, ảnh: Hồng Tính