Nhằm giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tỉnh đã xây dựng và ban hành phương án ứng phó thiên tai hằng năm theo từng cấp độ rủi ro thiên tai. Qua đó góp phần nâng cao năng lực, phát huy tính chủ động trong phòng, chống thiên tai (PCTT) ở cả 3 cấp và cộng đồng dân cư.
Diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Yên Lạc góp phần chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ảnh: Nguyễn Lượng
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều loại hình thiên tai bất thường, trái quy luật, khó dự báo với cường độ lớn hơn, cực đoan hơn trước đây, trong đó phải kể đến số lượng và cường độ các trận bão, mưa lớn, ngập lụt như đợt mưa đá trên diện rộng tháng 11/2006; mưa lớn lịch sử trái mùa hồi đầu tháng 11/2008; gần đây nhất là siêu bão số 3 (Yagi) và mưa lũ lịch sử sau bão từ ngày 6 - 11/9 vừa qua gây tổn thất nặng nề về người, tài sản cho các tỉnh phía Bắc nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng.
Phát huy tính chủ động trong công tác PCTT nhằm ứng phó kịp thời, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra, hằng năm, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) ở cả 3 cấp và các sở, ban, ngành, đoàn thể được kiện toàn.
Đặc biệt, lực lượng xung kích PCTT cơ sở là lực lượng chủ chốt tại chỗ được thành lập ở cấp xã với khoảng 15 nghìn người để phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.
Quán triệt phương châm “4 tại chỗ” và phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả” trong PCTT, hằng năm, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng và quy định pháp luật về PCTT&TKCN; diễn tập, huấn luyện kỹ năng và kiểm tra năng lực đảm bảo sẵn sàng ứng phó thiên tai... góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về PCTT và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Trước mùa mưa bão hằng năm, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tiến hành kiểm tra hiện trạng hệ thống các công trình PCTT, công trình thủy lợi, đê điều… để đánh giá hiện trạng, phân loại, xây dựng phương án bảo vệ; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác PCTT&TKCN, đảm bảo ứng phó kịp thời các sự cố thiên tai theo phương án đã xây dựng.
Theo Quyết định số 1495 của UBND tỉnh phê duyệt Phương án ứng phó thiên tai từ cấp 1 đến cấp 3, căn cứ vào tiêu chí và những thiệt hại xảy ra trên địa bàn được thu thập, tổng hợp trong những năm qua. Trong đó, chú trọng trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết, loại hình thiên tai, các thông tin, chỉ đạo từ Trung ương.
Hướng dẫn người dân các biệp pháp PCTT trên các phương tiện truyền thông; chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tùy theo cấp độ của hình thái thiên tai, các địa phương sẵn sàng sơ tán nhân dân khỏi vùng bị ảnh hướng đến nơi an toàn gắn với chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị lương thực, nước uống, thuốc dự phòng...
Các sở, ngành, địa phương thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá chất lượng, mức độ an toàn của công trình trong phạm vi quản lý nhằm kịp thời phát hiện sự cố, hư hỏng để có biện pháp sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, đảm bảo an toàn.
Chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn cho các vị trí trọng điểm theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện và xử lý kịp thời những hư hỏng của đê, kè, cống...; chủ động xây dựng các phương án bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc và phương án khắc phục hậu quả.
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hướng dẫn các cấp, các ngành xây dựng và tổ chức thực hiện phương án; các biện pháp phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản và vật tư nông nghiệp để cung ứng kịp thời khi thiên tai xảy ra.
Kiểm tra, rà soát, lập kế hoạch mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác PCTT; tăng cường tập huấn công tác PCTT cho lực lượng làm công tác PCTT các cấp.
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng quân đội trên địa bàn tỉnh và quân khu, tham mưu giúp Ban Chỉ huy xây dựng kế hoạch tìm kiếm cứu nạn của tỉnh; tăng cường lực lượng xử lý các tình huống khi có thiên tai xảy ra.
Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cung cấp kịp thời, chính xác số liệu khí tượng thủy văn cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chỉ đạo, điều hành.
Sở Giao thông vận tải xây dựng phương án đảm bảo giao thông thông suốt trong mọi tình huống.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đảm bảo thông tin thông suốt từ Trung ương đến địa phương.
Công ty Điện lực Vĩnh Phúc xây dựng kế hoạch, phương án cung cấp điện phục vụ cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị; cung cấp đủ nguồn điện cho các trạm bơm phục vụ tiêu úng.
Các công ty TNHH một thành viên thủy lợi xây dựng kế hoạch chi tiết, sát thực tế theo từng cấp độ thiên tai.
UBND các huyện, thành phố xây dựng phương án ứng phó với rủi ro thiên tai sát với tình hình thực tế tại địa phương; đảm bảo đủ trang bị, phương tiện thiết yếu phục vụ cần thiết để có thể huy động kịp thời khi có rủi ro thiên tai xảy ra; xây dựng phương án tổ chức di dời, bảo vệ người dân ở vùng chịu ảnh hưởng thiên tai đến nơi an toàn; chủ động ngân sách địa phương và các nguồn kinh phí khác theo quy định để khắc phục hậu quả, sớm ổn định sản xuất và đời sống nhân dân…
Ngọc Lan