Cuối tháng 10, trên các cánh đồng tỉnh Đồng Tháp, nông dân rút nước, chuẩn bị vụ lúa mới, cũng là lúc đàn chim cò bay đến, "đánh chén" cá, tép.
Nếu như "tháng bảy nước nhảy khỏi bờ" là câu đúc kết của ông bà xưa ngụ ý tháng 7 âm lịch là thời điểm con nước miền Tây tràn đồng thì rằm tháng 9 là đỉnh lũ. Qua con nước rằm, nông dân thường bắt tay vào làm đất, ngâm giống và sạ lúa.
Tại cánh đồng thuộc xã An Phong, huyện Thanh Bình, sau khi nông dân đắp bờ, vét lại các con mương ngang, dọc đảm bảo nước rút hết ra đồng, chim cò đã có mặt, thăm dò những bãi ăn để dẫn cả đàn kéo đến.
Trước đó, nước bêu (cao) khiến chim cò khó kiếm ăn. Nhưng khi nước rút, xăm xắp qua mắt cá chân người, chúng liền kéo tới. Đàn cò khá dạn với nông dân trong vùng song cảnh giác với người lạ.
Một con cò vừa sục sạo vừa rượt theo con mồi sau đó nhắm thật chuẩn với một cú mổ.
Cò thường bắt cá nhỏ như cá lòng tong, cá rô non, cá sặc, tép.
Đôi cò đùa giỡn trong lúc kiếm ăn trên đồng.
Cách Thanh Bình khoảng 20 km, cánh đồng xã Tân Nghĩa, huyện Cao Lãnh đã bước vào công đoạn cày xới đất giúp mặt ruộng bằng phẳng, vùi gốc rạ hoặc cỏ dại còn sót lại. Tại đây, đàn cò trắng sà xuống những thửa ruộng đã cày xong để tìm thức ăn. Chúng chỉ có khoảng một tuần để xơi hết số cá, tép trước khi người dân sạ lúa.
Những khu vực không xả lũ để bảo vệ vườn cây ăn trái hoặc nương rẫy ở huyện Thanh Bình, nông dân tranh thủ trục đất để vùi gốc rạ. Khi máy cày xốc xáo mặt đất, cá, tép, côn trùng túa ra. Đàn cò trắng và nhạn đồng ngay lập tức thi nhau mổ thức ăn.
Chạng vạng, đàn cò bắt đầu bay về tổ, tạo nên khung cảnh yên bình, nên thơ.
Sau sạ khoảng 10 ngày lại thời gian kiếm ăn của cò ốc. Chúng giúp nông dân diệt trừ ốc, bảo vệ lúa. Loài này thân hình khá to, song chân không đạp lúa của dân khi bắt ốc.
Nguyễn Thoa (Theo Vnexpress)