Đình làng là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng dân cư, chứng kiến mọi đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê. Trải qua bao thăng trầm thời cuộc, những mái đình làng cổ vẫn tồn tại như chứng nhân lịch sử, lưu giữ bề dày truyền thống văn hóa làng xã, nơi “hồn quê” lắng đọng.
Đình Thổ Tang, thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân địa phương. Ảnh: Kim Ly
Theo số liệu của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.303 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó, có hơn 200 ngôi đình.
Đình làng là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng, nơi thờ vị thần bảo hộ của làng (Thành hoàng làng) và chư vị thần linh, nơi nhân dân họp bàn các công việc lớn của làng và tổ chức lễ hội.
Đình ở Vĩnh Phúc có niên đại sớm nhất (thời Hậu Lê, thế kỷ XV), nhưng chủ yếu được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII. Tùy vào thời điểm xây dựng, đình có cấu trúc khác nhau, song nhìn chung, cấu trúc đình làng gồm 3 phần: Sân đình là nơi sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội, tiệc làng; đại đình là nơi người dân tổ chức họp bàn công việc chung của làng; thượng cung là nơi đặt bài vị, ngai, hương án, tượng thờ vị Thành hoàng.
Đình được xây dựng to lớn, bề thế trên khu đất linh thiêng nhất của làng. Xây đình được coi là việc lớn của làng, do vậy, từ việc tuyển lựa thợ xây, lựa chọn vật liệu, gia công… đều rất công phu, tỉ mỉ. Các ngôi đình được gia cố bền chắc với kiến trúc gỗ là chủ yếu. Các loại vật liệu làm đình đều là gỗ tốt như đinh, lim, sến, táu…
Đình làng ở Vĩnh Phúc có vị trí đặc biệt trong nghệ thuật điêu khắc đình làng vùng châu thổ đồng bằng Bắc Bộ. Với đôi bàn tay khéo kéo, các nghệ nhân xưa đã chế tác ra những tác phẩm điêu khắc gỗ độc đáo, tô thêm những đường nét cổ kính, mềm mại cho ngôi đình.
Các ngôi đình hiện còn lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị về lịch sử, đặc biệt là các đạo sắc phong của các triều đại phong kiến. Đây là sự công nhận của triều đình đối với công lao to lớn của vị Thành hoàng được nhân dân thờ phụng.
Đình Cả, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) được trùng tu, tôn tạo khang trang. Ảnh: Kim Ly
Các ngôi đình ở Vĩnh Phúc đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, song đa số vẫn giữ nguyên kiến trúc cổ. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân trong tỉnh đã tháo dỡ nhiều ngôi đình để thực hiện chiến lược “tiêu thổ kháng chiến”, không để đình làng làm nơi đóng quân của địch. Sau khi hòa bình lập lại, chính quyền và nhân dân các địa phương đã trùng tu, xây dựng lại đình làng để làm nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng.
Đình làng là di tích lịch sử - văn hóa, đồng thời cũng là di tích cách mạng. Đây là nơi sơ tán của các cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, đồng thời là trụ sở hoạt động bí mật của các chiến sĩ cách mạng và quân du kích đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Vào mỗi dịp lễ, Tết, ngày Rằm, mùng Một hằng tháng, dân làng ra đình làm lễ, cầu mong Thành hoàng làng phù hộ, ban cho sức khỏe, bình an, may mắn, sung túc, đủ đầy.
Dịp đầu Xuân năm mới, sân đình là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của làng, già, trẻ, gái, trai nô nức rủ nhau đi trẩy hội, tiếng nói, tiếng cười râm ran, náo động cả một vùng quê. Cho đến nay, những giá trị văn hóa truyền thống ấy vẫn được duy trì, phát huy trong đời sống hiện đại.
Cụm đình Tam Canh (Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh) ở thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên là những ngôi đình cổ tiêu biểu của nghệ thuật kiến trúc đình làng Bắc Bộ, được xây dựng từ thời Hậu Lê (khoảng cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII).
Cả 3 ngôi đình đều thờ 6 vị Thành hoàng làng là vua Ngô Xương Ngập, vua Ngô Xương Văn, tướng Đỗ Cảnh Thạc cùng 3 vị thánh mẫu là Linh Quang Thái Hậu, Khả/A Lã Nương Nương và Thị Tùng phu nhân.
Nét độc đáo của 3 ngôi đình là nghệ thuật chạm khắc gỗ cầu kỳ, tinh xảo. Từ xa xưa, cụm đình Tam Canh là nơi diễn ra hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cư dân làm nông nghiệp và làm gốm thủ công.
Vào mỗi dịp đầu Xuân năm mới, dân làng thường tổ chức Lễ hội Kéo Song (di sản văn hóa phi vật thể quốc gia) để tưởng nhớ công đức to lớn của các Thành hoàng làng, cầu một năm mưa thuận gió hòa.
Thị trấn Hương Canh ngày nay vẫn giữ được đẹp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Ngôi đình làng cổ tọa lạc giữa không gian phố thị rộn rã, tấp nập như một nét chấm phá độc đáo trong bức tranh rực rỡ sắc màu của làng Kẻ Cánh hôm nay. Cụm đình Tam Canh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích quốc gia đặc biệt năm 2022. Đây là niềm vinh dự, tự hào của chính quyền và nhân dân địa phương.
Cùng với cây đa, bến nước, hình ảnh mái đình làng cổ kính, hiên ngang đã in đậm trong tâm khảm mỗi người con đất Việt, để ai đi xa cũng nhớ về. Những năm qua, các địa phương trong tỉnh chú trọng thực hiện tốt việc tu bổ, tôn tạo các ngôi đình cổ từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa, bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với di tích, phục dựng và duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống…
Qua đó góp phần bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc cho muôn đời sau.
Bạch Nga