Trợ giúp, tiếp nhận, nuôi dưỡng người lang thang, xin ăn trên địa bàn là chính sách nhân văn được Trung tâm Công tác xã hội tỉnh triển khai thường xuyên trong thời gian qua. Việc nhận được sự quan tâm, trợ giúp phù hợp giúp người lang thang, xin ăn được trở về bên gia đình hoặc có thêm mái ấm thứ 2 của mình.
Trung tâm Công tác xã hội tỉnh thường xuyên tổ chức khám sức khỏe cho những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội. Ảnh: Dương Chung
Thời gian qua, công tác ngăn ngừa, thu gom người lang thang, xin ăn trên địa bàn được UBND tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đặc biệt quan tâm bằng những hoạt động cụ thể.
Hằng năm, Sở LĐ-TB&XH ban hành văn bản hướng dẫn UBND các huyện, thành phố; các xã, phường, thị trấn tổ chức thu gom người lang thang xin ăn, nhằm thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch của UBND tỉnh về mỹ quan đô thị, trật tự xã hội, an toàn giao thông và an sinh xã hội.
Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Lương Cầm Vĩnh cho biết: "Để thực hiện tốt nhiệm vụ tiếp nhận các đối tượng cần được bảo vệ khẩn cấp là người lang thang, xin ăn, hằng năm, trung tâm xây dựng kế hoạch phối hợp với UBND các huyện, thành phố (thông qua Phòng LĐ-TB&XH) và UBND các xã, phường, thị trấn tuyên truyền về việc thu gom, tiếp nhận người lang thang, xin ăn vào nuôi dưỡng tại trung tâm; tích cực phối hợp tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Vĩnh Phúc... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các ngành, các cấp và người dân trong việc giải quyết tình trạng người lang thang, xin ăn trên địa bàn.
Ngoài ra, trung tâm còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều đợt tuyên truyền lưu động về ngăn ngừa, thu gom người lang thang, xin ăn và trợ giúp, tiếp nhận các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp vào nuôi dưỡng tại đơn vị trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Tổ chức hội nghị tập huấn truyền thông ngăn ngừa, thu gom người lang thang, đồng thời tuyên truyền trên trang Fanpage “Công tác xã hội Vĩnh Phúc - mái nhà hạnh phúc” của trung tâm".
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh tiếp nhận đối tượng lang thang được bàn giao từ các địa phương vào các ngày trong tuần và duy trì trực tổng đài đường dây nóng 1800585898 để tiếp nhận thông tin, trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, trung tâm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất (phòng ở, đồ dùng cá nhân...) và công tác cấp dưỡng luôn đảm bảo. Khi các đối tượng lang thang, xin ăn được tiếp nhận vào chăm sóc, nuôi dưỡng, trung tâm sẽ chủ động phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là Bệnh viện Tâm thần tỉnh... tổ chức thăm khám, điều trị đối với những trường hợp có vấn đề về sức khỏe; sẽ chuyển gửi đối tượng phù hợp trong trường hợp đối tượng cần phải chuyển gửi đến các cơ sở y tế khác.
Qua các kênh thu thập thông tin về các đối tượng khác nhau, trung tâm sẽ kết nối với chính quyền địa phương, nơi đối tượng cư trú để phối hợp bàn giao, tư vấn, trợ giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, cam kết không tái diễn việc lang thang, xin ăn hoặc sẽ tiếp nhận đối tượng vào nuôi dưỡng tập trung nếu đủ điều kiện thuộc diện bảo trợ xã hội.
Mặc dù được tỉnh, các cấp, các ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm, triển khai nhiều giải pháp ngăn ngừa, thu gom người lang thang, xin ăn, tuy nhiên, thực tế hiện nay, trên địa bàn vẫn còn tình trạng người lang thang, xin ăn tập trung chủ yếu ở nhóm người bị bệnh lý rối nhiễu tâm trí, đi lang thang, không biết đường về nhà.
Ngoài ra vẫn còn nhóm người lang thang có chủ đích (lang thang với mục đích mưu sinh) được tổ chức bài bản và có người trợ giúp xin ăn, xin tiền. Các đối tượng này thường xuyên thay đổi địa bàn, phương thức hoạt động nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc loại bỏ hình thức này.
Những nơi xuất hiện người lang thang, xin tiền thường là tại các ngã tư có tín hiệu đèn giao thông như đèn tín hiệu giao thông ngã tư chợ Đồng Tâm; đèn tín hiệu giao thông tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đèn tín hiệu giao thông Trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc; đèn tín hiệu giao thông Quốc lộ 2C đi xã Đồng Văn, khu vực chợ Định Trung...
Thời gian tới, để ngăn ngừa tình trạng người lang thang, xin tiền, rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, đặc biệt là UBND các xã, phường, thị trấn cần chỉ đạo lực lượng công an, các tổ chức đoàn thể tích cực hơn nữa trong việc rà soát, tuần tra để đưa đối tượng đi khai thác thông tin.
Nếu đúng đối tượng cần trợ giúp thì nhanh chóng xác minh tìm thân nhân, quê quán cho người lang thang bị rối nhiễu tâm trí, đi không biết đường về nhà. Có thể bàn giao đối tượng cho Trung tâm Công tác xã hội tỉnh để tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian xác minh thân nhân, nơi cư trú của đối tượng. Kịp thời yêu cầu viết cam kết và thông báo cho địa phương nơi cư trú đối với những trường hợp cố tình lang thang, xin tiền dưới mọi hình thức.
Thành An