Chiều 2/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc. Hội nghị được kết nối trực tuyến (4 cấp) từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cấp huyện, cấp xã.
Dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc có đồng chí Trần Duy Đông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng
Theo báo cáo của Bộ Công an, đến nay, cả nước đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế dữ liệu đồng bộ liên thông qua bảo hiểm xã hội để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu bảo đảm chất lượng, hiệu quả.
Đối với giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, cả nước đã tạo lập được 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn khám lại. Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tích hợp trên VNeID để sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng.
Bộ Công an đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, Ngân hàng HDBank triển khai Hệ thống Kiosk y tế miễn phí với số lượng tối thiểu 1001 Kiosk y tế, đến nay đã có 44/63 tỉnh thành phố đăng ký triển khai với 217 Kiosk y tế.
Những kết quả trên giúp tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng/năm tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh; tạo thuận lợi cho người dân trong việc chủ động theo dõi hồ sơ sức khỏe của bản thân và có thể cung cấp hồ sơ bệnh án cho các y, bác sĩ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào.
Về triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế đã bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, mang lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân.
Cụ thể, Hà Nội tiếp nhận hơn 45.000 hồ sơ, Thừa Thiên Huế tiếp nhận hơn 5.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, chiếm hơn 70% tổng số hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp của 2 tỉnh, thành phố; ước tính mỗi hồ sơ tiết kiệm khoảng 10.000 đồng tiền xăng xe, đi lại và công sức chờ đợi; 150.000 đồng tiền công trung bình nửa ngày công của người dân.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo kết quả triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID; chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, khó khăn, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm, đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp khắc phục để triển khai mở rộng thí điểm 2 tiện ích này trên phạm vi toàn quốc, góp phần xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu tới năm 2030 kinh tế số đóng góp 30% cho nền kinh tế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục đích cuối cùng trong xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phát triển kinh tế số là phục vụ nhân dân. Đến nay, chuyển đổi số đã đến từng ngõ, từng nhà, từng đối tượng, mang lại tiện ích cho người dân với việc nâng cao nhận thức về chuyển đổi số.
Chỉ ra một số tồn tại, hạn chế trong triển khai tiện ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo; hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; phân công rõ người, rõ việc, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát.
Đối với người đứng đầu, phải quyết liệt, gương mẫu; chỉ bàn làm, không bàn lùi; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, làm việc nào dứt việc đó.
Các bộ, ngành, địa phương tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống” trên cơ sở kết nối, chia sẻ với nhau và kết nối Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư; phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó đưa ra các giải pháp cho phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, hạ tầng phải thông suốt, con người phải thông minh.
Cùng với đó, tập trung cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số; phát triển Cơ sở dữ liệu quốc gia gắn với kết nối, tích hợp, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành; triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID...
Tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo một số bộ, ngành đã bấm nút kích hoạt triển khai tiện ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo sau hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng
Phát biểu sau hội nghị tại điểm cầu Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng - đủ - sạch - sống” trên cơ sở kết nối, chia sẻ với nhau và kết nối Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông đề nghị các sở, ngành đẩy nhanh tỷ lệ số hóa; tập trung rà soát, đặt ra mục tiêu tỷ lệ số hóa cao hơn; xác định thời gian triển khai. Trong đó, Sở Tư pháp đôn đốc các sở, ngành, địa phương các nhiệm vụ thường xuyên, đối với các nhiệm vụ đột xuất phải triển khai quyết liệt.
Giám đốc Sở Y tế Lê Hồng Trung phát biểu sau hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Vĩnh Phúc. Ảnh: Thế Hùng
Về sổ sức khỏe điện tử qua VNeID, đồng chí Trần Duy Đông đề nghị Sở Y tế xây dựng kế hoạch triển khai, trình UBND tỉnh trước ngày 5/10. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí nguồn lực cho các dự án hạ tầng thông tin trên cơ sở Luật Đầu tư công.
Sở Thông tin và Truyền thông bảo đảm kết nối và chia sẻ dữ liệu tương thích với đường truyền quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ chữ ký số.
Công an tỉnh là đầu mối, thông suốt việc đồng bộ dữ liệu với Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Mai Liên