Hàng năm cứ vào thu, rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá bên phá Tam Giang (Thừa Thiên Huế) lại đồng loạt trổ bông, thay lá, cả khu rừng chuyển sang màu vàng ươm, rực rỡ.
Khu rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá có diện tích khoảng 3ha, nằm tại khu vực cửa Thuận An, nơi con sông Hương đổ ra biển, thuộc địa phận thôn Thuận Hòa (xã Hương Phong, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế).
Đây là khu rừng tự nhiên có từ lâu đời và được người dân gìn giữ, bảo vệ, trở thành khu rừng nguyên sinh ngập nước duy nhất trên hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Sự khác biệt giữa khu rừng nguyên sinh và khu rừng mới trồng khi trời vào thu.
Từ năm 2015 đến nay, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã trồng mới hơn 342ha rừng ngập nước, trong đó có khu Rú Chá.
Năm 2024, địa phương này được bổ sung thêm dự án trồng mới 24ha rừng tại xã Hương Phong, hướng tới hình thành hệ sinh thái rừng ngập mặn tập trung lớn nhất miền Trung, với quy mô trên 200ha, góp phần tăng tỷ lệ che phủ và cải thiện chất lượng rừng, làm chức năng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ cộng đồng dân cư ven biển.
Điều đặc biệt của khu rừng nguyên sinh Rú Chá là khi trời vào thu, toàn bộ cây chá sẽ trổ bông, thay lá, cả cánh rừng chuyển màu vàng ươm, rực rỡ.
Thời điểm này, mực nước trên phá Tam Giang cũng dâng cao, làm ngập toàn bộ khu rừng, tạo ra khung cảnh đầy huyền ảo, nhiều người ví như miền cổ tích xứ Huế.
Ông Nguyễn Ngọc Đáp (79 tuổi), người đã có hơn 40 năm sống trong rừng Rú Chá, cho biết mỗi năm cây chá chỉ trổ bông, thay lá duy nhất 1 lần vào tháng 8 âm lịch. Khi rừng Rú Chá chuyển vàng, giống như đài khí tượng thủy văn tự nhiên, báo hiệu mùa mưa bão bắt đầu. Người dân vùng đầm phá, ven biển căn cứ sự chuyển đổi trạng thái này để chuẩn bị các phương án phòng, tránh thiên tai.
Bên trong khu Rú Chá có một ngôi miếu cổ thờ Đức Thánh Mẫu, hàng năm, cứ vào ngày 3/3 âm lịch, người dân làng Thuận Hòa sẽ tổ chức lễ cúng tại miếu này.
Thời gian qua, ngôi miếu đã được trùng tu, sửa chữa khang trang hơn, tạo thêm điểm nhấn cho khu rừng Rú Chá.
Bên dưới tán rừng Rú Chá còn có nhiều ngôi mộ tồn tại từ lâu.
Khu rừng được bảo quản tốt, tạo điều kiện để tôm, cua và các loài cá đặc sản như: nâu, dìa, ong, bống… sinh sản, phát triển, tạo sự đa dạng sinh học, giúp người dân có thêm thu nhập bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản bên trong Rú Chá.
Với vẻ đẹp quyến rũ, nhất là vào mùa trổ bông, thay lá, Rú Chá thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên Huế đến tham quan, check-in.
Thành phố Huế đã đầu tư ngân sách để chỉnh trang đường giao thông, hạ tầng phục vụ du lịch tại khu Rú Chá.
Những ngày Rú Chá chuyển màu, miền cổ tích xứ Huế thu hút đông đảo các nhiếp ảnh gia, đoàn làm phim, họa sĩ, sinh viên mỹ thuật tìm về khám phá, sáng tác nội dung.
Một nhiếp ảnh gia ở thành phố Huế cho biết, Rú Chá mùa nào cũng đẹp, nhưng vào thu khu rừng có nét đẹp khó tả bằng lời, có vẻ gì đó rất ma mị.
Khung cảnh sáng tác nghệ thuật, sống ảo hết sức lãng mạn bên trong khu rừng ngập mặn Rú Chá.
Nguyễn Thoa (Theo Dân trí)