Trên địa bàn tỉnh, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) có đặc thù sinh sống chủ yếu ở vùng núi, đồi với địa hình chia cắt, kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ hằng năm cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân. Trước thực trạng đó, công tác chủ động ứng phó, phòng ngừa thiên tai luôn được các cấp chính quyền đặc biệt chú trọng, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của đồng bào DTTS nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Toàn tỉnh hiện có 11 xã, thị trấn thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, phân bố tại 5 huyện, thành phố gồm Phúc Yên, Bình Xuyên, Tam Đảo, Sông Lô, Lập Thạch. Trước những diễn biến bất thường của thời tiết và khí hậu, hằng năm, đây là những địa phương có nguy cơ cao xảy ra các đợt ngập úng cục bộ, lũ quét, sạt lở đất...
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân về phòng chống thiên tai, UBND, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các cấp đã chủ động chỉ đạo, phổ biến kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai, văn bản chỉ đạo, chỉ huy ứng phó thiên tai đến cộng đồng, nhất là vùng có nguy cơ cao xảy ra thiên tai, vùng đồng bào DTTS.
Đặc biệt, UBND tỉnh đã chỉ đạo đầu tư trang thiết bị phù hợp với địa bàn tỉnh, đảm bảo thông tin dự báo, cảnh báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai của cơ quan chỉ đạo PCTT và các cấp chính quyền đến người dân.
Cùng với đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh chú trọng tuyên truyền các tài liệu hướng dẫn người dân cách nhận biết, kỹ năng ứng phó lũ, lũ quét, sạt lở đất, dông, lốc, sét kèm mưa đá để chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Khi được dự báo, cảnh báo có thể xảy ra các đợt thiên tai trên địa bàn tỉnh, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã gửi đường link, pano, áp phích qua email để các địa phương tuyên truyền đến cấp xã, từ đó, cảnh báo đến từng thôn giúp người dân nắm thông tin, chủ động phòng tránh.
Xã Minh Quang, huyện Tam Đảo là xã miền núi với 61% người dân là đồng bào dân tộc Sán Dìu, phân bố đồng đều tại 19 thôn dân cư. Với địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi thấp và đồi bát úp xen kẽ những cánh đồng hẹp, có hồ lớn Xạ Hương, Bản Long cùng nhiều sông, suối, đập nhỏ, các cầu tràn, khi có mưa lớn, bão lốc xảy ra, xã Minh Quang sẽ nằm trong vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ ống, lũ quét.
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang Trần Văn Tương chia sẻ: “Để chủ động, sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất thường của thời tiết, thiên tai có thể xảy ra trong mùa mưa bão, bám sát các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND huyện Tam Đảo, hằng năm, xã Minh Quang kiện toàn Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách các khu vực trọng điểm, khu vực nguy hiểm.
Cùng với đó, xã thành lập các Tiểu Ban chỉ huy PCTT&TKCN tại 2 hồ lớn Xạ Hương, Bản Long và các cầu tràn, thành lập Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp xã. Sau khi kiện toàn, xã xây dựng các kế hoạch, phương án chủ động ứng phó dựa trên tình hình thời tiết mùa mưa bão.
Mặt khác, đối với địa phương có nhiều đồng bào DTTS cùng sinh sống, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng, chống thiên tai, bão lũ... đến với nhân dân được xã đặc biệt chú trọng. Theo đó, xã tăng cường thông tin, cảnh báo, hướng dẫn người dân chằng néo nhà cửa, các biện pháp phòng tránh, ứng phó với gió lốc, gió xoáy; rà soát các điểm dân cư có nguy cơ sạt lở, ngập lụt để di dời đến nơi an toàn, đảm bảo ổn định cuộc sống người dân.
Thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã Minh Quang tuyên truyền, phố biến kiến thức, kỹ năng ứng phó thiên tai cho người dân ở các khu vực trọng điểm. Ảnh: Trà Hương
Đặc biệt, khi có mưa bão lớn xảy ra, thực hiện hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật liệu, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “ba sẵn sàng” (Chủ động phòng tránh; đối phó kịp thời; khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
Song, với tính chất phức tạp, khó lường, bão số 3 và hoàn lưu bão đã gây thiệt hại đối với xã Minh Quang. Mưa lũ đã khiến 1 hộ dân bị sập nhà, 64 hộ bị hư hỏng, tốc mái nhà; 128 cây xanh bị đổ, gãy; nhiều tuyến đường bị hư hỏng nặng; gần 400 ha lúa và hoa màu bị hư hại; hơn 30 con lợn, 5.700 con gia cầm bị chết; gần 90 hộ bị thiệt hại về chuồng trại, thiết bị chăn nuôi.... Tổng giá trị thiệt hại gần 7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền xã, nhất là hoạt động của Ban Chỉ huy PTTT &TKCN của địa phương theo phương châm "bốn tại chỗ”, "ba sẵn sàng”, bảo đảm trực chỉ huy 24/24 giờ vào những ngày nguy cơ cao đã góp phần giảm thiểu thiệt hại, đặc biệt không có thiệt hại về người.
Cùng với đó, ngay khi các đập, hồ lớn trên địa bàn xả lũ, xã đã chỉ đạo lực lượng cắm biển, chăng dây cảnh báo, bố trí gác trực tại các vị trí nguy hiểm, không để người dân, xe cộ đi qua.
Ngoài ra, địa phương chỉ đạo các lực lượng tại chỗ cùng người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là hệ thống giao thông, cầu, cống, ngầm tràn bị hư hỏng để bảo đảm giao thông thông suốt; hỗ trợ, động viên các hộ bị thiệt hại sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Lực lượng tại chỗ xã Minh Quang cắm biển cảnh báo nguy hiểm và canh trực, nhắc nhở người dân không đi qua cầu tràn khi xả lũ để bảo đảm an toàn. Ảnh: Trà Hương
Thảo My