Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, số lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh hằng năm đều tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước và thuộc top đầu các địa phương thu hút du khách nhiều nhất miền Bắc.
Khu du lịch quốc gia Tam Đảo cần đổi mới, đa dạng sản phẩm du lịch để hấp dẫn, níu chân du khách ở lại lâu hơn.
Cụ thể, năm 2022, toàn tỉnh đón hơn 8,2 triệu lượt du khách. Năm 2023, tăng lên hơn 9,3 triệu lượt du khách và 6 tháng năm 2024 đạt gần 6 triệu lượt du khách, chỉ đứng sau Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Thanh Hóa và vượt nhiều địa phương trong top đầu doanh thu du lịch cao nhất cả nước về số lượng du khách.
Mặc dù lượng du khách đến Vĩnh Phúc khá đông, tuy nhiên doanh thu du lịch của tỉnh lại chưa nằm trong nhóm các địa phương có doanh thu du lịch cao nhất cả nước, điều này cho thấy hiệu quả ngành Du lịch của tỉnh mang lại chưa cao.
Đơn cử như tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm 2024, tỉnh đón hơn 5,2 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 26 nghìn tỷ đồng; tỉnh Nghệ An đón hơn 5,5 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 16,6 nghìn tỷ đồng; thành phố Đà Nẵng đón hơn 5,1 triệu lượt du khách, doanh thu đạt hơn 16 nghìn tỷ đồng… Trong khi đó, tỉnh Vĩnh Phúc đón gần 6 triệu lượt du khách, nhưng doanh thu chỉ đạt gần 2.300 tỷ đồng. Tính bình quân mỗi du khách đến Vĩnh Phúc chi tiêu chưa đến 400 nghìn đồng.
Mặc dù những con số thống kê chỉ mang tính tương đối, tuy nhiên điều này đã phản ánh tình trạng du khách đến Vĩnh Phúc đông nhưng không lưu trú lại lâu và ngành Du lịch cũng không có những sản phẩm du lịch hấp dẫn để du khách sẵn sàng rút tiền chi tiêu như tại một số địa phương khác.
Có thể nói, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có hiệu ứng lan tỏa cao, có thể mức chi tiêu của du khách khi đến tỉnh chưa được thống kê đầy đủ, nhưng với con số quá nhỏ như vậy có thể nhận định hiệu quả ngành Du lịch của tỉnh là rất thấp.
Vĩnh Phúc được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch, ngoài các điểm đến đã thành thương hiệu như Khu du lịch quốc gia Tam Đảo, Khu danh thắng quốc gia Tây Thiên, Khu du lịch hồ Đại Lải… trên địa bàn tỉnh còn nhiều những di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh độc đáo, đặc sắc có thể phát triển thành những điểm đến hấp dẫn du khách, tạo thành chuỗi kết nối các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, hội thảo, hội nghị, du lịch MICE, du lịch khám phá, trải nghiệm… nếu có chiến lược dài hơi và sự quan tâm đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.
Chẳng hạn như Di tích khảo cổ học Đồng Đậu, thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) có quy mô hơn 8,5 ha được phát hiện vào tháng 2/1962. Quá trình khai quật di tích thu được nhiều hiện vật đa dạng về chất liệu, số lượng và kiểu dáng với nhiều loại hình phong phú, phản ánh quá trình định cư lâu dài của người Việt cổ tại đây suốt gần 2 thiên niên kỷ.
Đặc biệt, Đồng Đậu là di tích khảo cổ có diễn biến văn hóa lâu dài, trải suốt từ thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên qua văn hóa Đồng Đậu, văn hóa Gò Mun đến văn hóa Đông Sơn. Đây cũng được xem là một tấm bia lịch sử ghi lại quá trình tồn tại và vươn lên từ thấp tới cao của người Việt cổ ở buổi đầu dựng nước.
Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vĩnh Yên cần giải quyết triệt để tình trạng bày bán hàng quán lộn xộn, chiếm dụng không gian công cộng để hấp dẫn người dân, du khách hơn.
Đây là di tích mang giá trị lịch sử, là cái nôi của nền văn minh lúa nước, một tài nguyên hiếm có để tỉnh phát triển du lịch tìm hiểu lịch sử, nguồn cội nếu được đầu tư thỏa đáng và phục dựng, tái hiện lại được cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người Việt cổ.
Hay như “Làng Tiến sĩ” (làng Quan Tử, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch), quê hương của 13 Tiến sĩ được ghi danh tại Văn miếu Quốc Tử Giám hoàn toàn có thể đầu tư để nơi đây trở thành điểm đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu của người dân trong tỉnh, du khách trong và ngoài nước.
Hồ Đầm Vạc giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, chống ngập úng cũng như không gian, kiến trúc cảnh quan của thành phố Vĩnh Yên nói riêng và của tỉnh nói chung, rất thuận lợi để triển khai đầu tư hệ thống đường dạo quanh hồ, cầu đi bộ phù hợp với hiện trạng của hồ; các dự án tạo điểm nhấn không gian cảnh quan hồ, phục vụ người dân và thu hút du khách đến tham quan, vui chơi, vãn cảnh…
Trong buổi nói chuyện với cán bộ lãnh đạo, quản lý mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định đến năm 2025, Vĩnh Phúc sẽ trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của khu vực và cả nước; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Tuy nhiên, để du lịch của tỉnh thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có thì cần nghiên cứu, tính toán lại cách làm du lịch, dịch vụ trên cơ sở đa dạng hóa sản phẩm, nâng cấp hạ tầng, chất lượng phục vụ.
Cùng với đó, tăng cường phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghiên cứu văn hóa, lịch sử; du lịch MICE, du lịch nghỉ dưỡng; du lịch khám phá, trải nghiệm… tại các địa phương có thế mạnh để tạo thành chuỗi kết nối du lịch hấp dẫn, níu chân du khách ở lại với tỉnh lâu hơn, quay lại nhiều lần và chi tiêu nhiều hơn…
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh