Chi cục Thủy sản vừa công bố kết quả quan trắc môi trường nước nuôi thủy sản tháng 9/2024. Trong đợt quan trắc này, chi cục đã lấy 34 mẫu tại ao nuôi cá thịt và cá giống, kênh mương ở 12 xã, thị trấn gồm Vũ Di, Yên Lập, Tứ Trưng, Tuân Chính, Phú Đa (Vĩnh Tường); Tam Hồng, Yên Lạc, Bình Định, Liên Châu, Đồng Cương (Yên Lạc); Tứ Yên (Sông Lô); Thái Hòa (Lập Thạch).
Cán bộ Chi cục Thủy sản lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước nuôi thủy sản.
Các mẫu quan trắc được chi cục kiểm tra bằng máy về độ trong, pH, O2, H2S. Đồng thời gửi đến Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc thuộc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I để phân tích các thông số COD, N-NH₄ +, NO2 -, tổng chất rắn lơ lửng (TSS), vi khuẩn Streptococcus sp.
Kết quả quan trắc cho thấy, chất lượng nước nuôi thủy sản đã được cải thiện đáng kể so với trước. Tuy nhiên, có 5/34 mẫu có thông số NH₄ + vượt giới hạn cho phép từ 1,04 đến 1,93 lần và 2 mẫu có thông số NO2 – vượt giới hạn cho phép từ 1,15 đến 1,63 lần. Đáng nói, 2 mẫu nước tại kênh 6A, xã Yên Lập (Vĩnh Tường) và kênh tiêu thị trấn Yên Lạc (Yên Lạc) bị nhiễm vi khuẩn Streptococcus spp. Đây là một loại vi khuẩn gây bệnh trên cá, với tỷ lệ chết lên đến 100%.
Để hạn chế rủi ro trong quá trình nuôi thủy sản, Chi cục Thủy sản khuyến cáo các hộ cần xử lý nước trước khi cấp nước vào ao nuôi. Định kỳ thay từ 30 - 50% lượng nước trong ao bằng nước sạch; thường xuyên kiểm tra lượng thức ăn hằng ngày để tránh dư thừa, hạn chế các nguồn chất thải giàu chất hữu cơ vào trong ao.
Tin, ảnh: Thanh Huyền