Kỳ 2: Kiên định với mục tiêu lấy dân làm gốc
Từ những chủ trương, quyết sách phù hợp, sát thực tiễn, Vĩnh Phúc từng bước chuyển thành quả phát triển KT - XH vào cuộc sống, nâng cao mức thụ hưởng cho người dân. “Dân thụ hưởng” đã và đang được thể hiện sinh động, thuyết phục trong hiện thực đời sống của mỗi người dân, tạo thành động lực mạnh mẽ, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, động viên nhân dân nỗ lực lao động, cống hiến, góp sức xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.
Từ chủ trương đến hành động
Đặt quyền lợi của người dân làm trung tâm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu: “Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao thu nhập và phúc lợi của nhân dân; nâng cao một cách rõ nét chất lượng cuộc sống của người dân, chuyển thành quả phát triển kinh tế vào đời sống người dân và xã hội”.
Với định hướng đó, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, hàng loạt chủ trương, nghị quyết, chương trình, kế hoạch đã được tỉnh ban hành nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân như Nghị quyết số 15 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước; Nghị quyết số 12 về nâng cao thu nhập và phúc lợi của người dân Vĩnh Phúc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 19 về xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…
Cơ sở vật chất, trang thiết bị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được quan tâm đầu tư, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: Trà Hương
Thực hiện các nghị quyết, nhiều chương trình, đề án, kế hoạch đã được tỉnh triển khai tạo sự đột phá, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân. Trọng tâm là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của nhân dân thông qua giải quyết việc làm, nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của các ngành kinh tế; kịp thời tháo gỡ khó khăn để nhà đầu tư, doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho người lao động.
Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động văn hóa - thể thao, tăng mức cung ứng các dịch vụ cơ bản và phúc lợi xã hội để tăng mức thụ hưởng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân; đảm bảo đa số người dân có việc làm bền vững, được bình đẳng tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội…
Từ các chủ trương, chính sách hiệu quả, thiết thực, đời sống, mức thụ hưởng của người dân không ngừng được nâng lên, thể hiện rõ nét nhất qua việc các chỉ số về thu nhập, đời sống người dân của tỉnh năm 2023 tiếp tục nằm trong tốp các tỉnh, thành phố tốt nhất cả nước.
Cụ thể, chỉ số phát triển con người (HDI) của tỉnh đứng thứ 9 cả nước; GRDP bình quân đầu người và thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 9 toàn quốc; chỉ số nhà ở/người dân đứng thứ 2 cả nước…
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục - đào tạo của tỉnh nhiều năm liền nằm trong tốp đầu cả nước, kết quả điểm thi trung bình tại kỳ thi tốt nghiệp THPT xếp thứ nhất toàn quốc trong 2 năm liên tiếp (2023 và 2024).
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, tỷ lệ bác sĩ đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân, cao hơn bình quân chung của cả nước; tỷ lệ giường bệnh đạt 40,3 giường bệnh/vạn dân, cao hơn 1,3 lần bình quân của cả nước.
Các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vui chơi được quan tâm đầu tư, hoạt động văn hóa - thể thao được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân…
Những nỗ lực quan tâm, nâng cao đời sống nhân dân của tỉnh còn được thể hiện qua hàng loạt các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo cho người nghèo, đối tượng chính sách, người yếu thế với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Từ năm 2020 đến nay, HĐND tỉnh đã ban hành 20 nghị quyết về an sinh xã hội (ASXH). Hệ thống chính sách ASXH của tỉnh được triển khai đồng bộ và hoàn thiện trên các lĩnh vực, diện bao phủ ngày càng mở rộng, phù hợp với từng đối tượng, vùng miền, điều kiện thực tiễn, có tính đột phá riêng, được nhân dân đón nhận tích cực.
Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đầu tiên ban hành chính sách hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tự nguyện. Nhiều năm liền, Vĩnh Phúc nằm trong số các địa phương có mức chuẩn trợ giúp xã hội cao nhất cả nước và cao hơn so với mức chuẩn trợ giúp xã hội do Trung ương quy định; thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có mức chi chúc thọ, mừng thọ cao hơn so với mức Trung ương quy định…
Vĩnh Phúc là 1 trong 4 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù. Đồng chí Lê Minh Tân, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, các cơ chế, chính sách của tỉnh về giảm nghèo đã bao phủ hầu hết các nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn của tỉnh. Một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo của tỉnh cao hơn so với mặt bằng chung cả nước.
Điển hình như chính sách hỗ trợ chi phí tham gia bảo hiểm y tế giúp 100% hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; chính sách hỗ trợ các đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo; chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn, hỗ trợ người nghèo học nghề, xuất khẩu lao động…”.
Giai đoạn 2020 - 2024, tỉnh đã dành hơn 1.500 tỷ đồng thực hiện công tác ASXH, trong đó, nguồn vốn thực hiện các chính sách giảm nghèo là hơn 445 tỷ đồng. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,61%; 9/9 huyện, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%; trong đó, 4 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 0,5% gồm thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên và huyện Bình Xuyên, Tam Dương.
Lợi ích của người dân là trên hết
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc; bao nhiêu lợi ích đều vì dân”. “Lấy dân làm gốc” luôn là tư tưởng chiến lược trong đường lối cách mạng Việt Nam, việc bổ sung nội dung “dân thụ hưởng” tạo thành tổng thể phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước, mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Qua hơn hai phần ba chặng đường đưa Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống, với những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, “dân thụ hưởng" ngày càng được hiện thực hóa sinh động, thuyết phục trong đời sống của mỗi người dân Vĩnh Phúc.
Chất lượng giáo dục - đào tạo của Vĩnh Phúc nhiều năm liền nằm trong tốp đầu cả nước. Ảnh: Trà Hương
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai các chính sách nâng cao đời sống, mức thu nhập và phúc lợi cho người dân trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như công tác giảm nghèo ở một số địa phương chưa bền vững; một bộ phận người dân còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; triển khai một số chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo còn khó khăn…
Bên cạnh đó, việc thực hiện quy chế dân chủ ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm làm tốt công tác tiếp dân, chưa giải quyết kịp thời các quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của người dân.
Để tiếp tục đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thực hiện hiệu quả mục tiêu xuyên suốt “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được thụ hưởng những thành quả của sự phát triển”, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhân dân thực hiện quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm và lợi ích chính đáng.
Đồng thời đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân; khuyến khích, vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh; triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao thu nhập, phúc lợi, mức thụ hưởng cho nhân dân; tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo, đảm bảo ASXH để mọi người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển.
Cùng với đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, lấy kết quả công việc, sự hài lòng và tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả thực thi nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân.
Tăng cường công tác đối thoại trực tiếp với nhân dân, thường xuyên sâu sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết thấu đáo kiến nghị, đề xuất chính đáng của nhân dân, củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng và chính quyền các cấp, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, xây dựng Vĩnh Phúc ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Lê Mơ - Hoàng Sơn
Kỳ 1: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/Id/117220/Dan-thu-huong