Bất chấp nguy hiểm, xông pha vào đám cháy, khu vực đất đá sạt lở hay giữa dòng nước lũ, vượt qua mưa bão để cứu người, tài sản... Đó là hình ảnh đẹp về những người lính cứu nạn cứu hộ - những anh hùng thầm lặng giữa đời thường, mưu lược, dũng cảm, kiên cường “vì nhân dân quên mình”.
Thượng úy Nguyễn Trường Giang (bên trái) cùng đồng đội kiểm tra thiết bị cứu nạn cứu hộ.
Thượng úy Nguyễn Trường Giang là một trong những tấm gương sáng của lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh.
Trong 12 năm làm chiến sĩ PCCC&CNCH, Thượng úy Trường Giang luôn được đồng nghiệp và người dân cảm phục bởi bản lĩnh và lòng dũng cảm, không bao giờ chùn bước trước mọi tình huống nguy hiểm, sẵn sàng xông pha cứu người.
Điển hình, năm 2015, trong một vụ cháy lớn tại xã Triệu Đề (Lập Thạch), đồng chí Giang đã leo lên tầng ba của ngôi nhà đang cháy, giải cứu 2 nạn nhân bị mắc kẹt. Hay tại vụ cháy Nhà hàng Ba lẩu ở thành phố Vĩnh Yên cuối năm 2019, đồng chí đã gan dạ lao vào biển lửa cứu người, cứu tài sản khiến bản thân bị bỏng.
Một kỷ niệm đáng nhớ khác là vụ cứu nạn tại thác Bản Long, xã Minh Quang (Tam Đảo), mặc dù tình huống lúc đó rất nguy hiểm bởi thác sâu, đá sắc nhọn, trơn trượt, nạn nhân to béo nên Thượng úy Trường Giang và đồng đội phải tháo ủng, đi chân trần và tự tạo đai an toàn cho bản thân để lần từng bước xuống vực sâu tìm kiếm nạn nhân, sau đó, nhanh trí thiết lập hệ thống ròng rọc kéo nạn nhân lên.
Khi hoàn thành nhiệm vụ thì anh và đồng đội cũng bị nhiều vết thương.
Một vụ cứu nạn khác vào cuối năm 2023, nhận được tin báo xe khách 29 chỗ ngồi chở đoàn cán bộ hưu trí của tỉnh Bắc Ninh bị mất lái lao xuống vực sâu thuộc Km 19+300 đường lên Tam Đảo, đội của đồng chí Trường Giang lập tức có mặt, triển khai phương án CNCH và sau hơn 1 giờ đã đưa được các nạn nhân từ dưới vực lên trên an toàn…
Thượng úy Trường Giang chia sẻ: “Nhiệm vụ của lính CNCH là ứng phó với các tình huống khẩn cấp như cháy, nổ, các vụ tai nạn nghiêm trọng, những hiểm họa từ thiên nhiên như bão lũ, động đất, cháy rừng…
Đội cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Tam Đảo cùng dân quân cứu hộ các nạn nhân bị lũ cuốn tại xã Đạo Trù (Tam Đảo).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chúng tôi đã trải qua quá trình đào tạo, huấn luyện nghiêm ngặt, học cách sử dụng các thiết bị CNCH, kỹ thuật sơ cứu y tế, các phương pháp CNCH; đồng thời, tích cực luyện tập phương án CNCH và tích lũy kinh nghiệm từ thực tiễn, từ đó, hình thành khả năng làm việc trong điều kiện áp lực cao, khả năng xử trí tình huống nguy hiểm, khó lường.
Nhiệm vụ PCCC&CNCH bất kể thời gian, thời tiết và luôn tiềm ẩn nguy hiểm; nhiều khi bị thương, tôi phải giấu để gia đình đỡ lo lắng. Dù vậy, tôi rất tự hào và muốn gắn bó với nhiệm vụ vinh quang này. Quá trình công tác, tôi được tặng nhiều Giấy khen và danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến”, nhưng với tôi, sự bình yên của người dân là phần thưởng cao quý nhất”.
Tại các địa phương, cán bộ, chiến sĩ trong Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an huyện, thành phố cũng luôn phát huy tinh thần anh dũng, làm tốt nhiệm vụ của người lính CNCH tại cơ sở.
Với hơn 20 năm công tác trong ngành, Trung tá Nguyễn Mạnh Huy, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Tam Đảo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những năm công tác tại lực lượng công an xã, đồng chí Huy đã nỗ lực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, bảo vệ cuộc sống bình yên của người dân; đồng thời, trực tiếp tham gia nhiều vụ CNCH ở địa phương.
Tiêu biểu như thời gian công tác tại Công an xã Yên Dương, đồng chí đã tham gia những vụ cứu hộ trẻ em bị đuối nước, ngã dưới đập tràn… Năm 2024, đảm nhiệm vai trò Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an huyện Tam Đảo, Trung tá Nguyễn Mạnh Huy đã phát huy năng lực và kinh nghiệm thực tiễn, chỉ huy 21 thành viên trong đội đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về công tác PCCC; đồng thời, sẵn sàng trực chiến triển khai phương án CNCH.
Nổi bật là đêm 12, rạng sáng 13/8, Đội nhận tin báo có hai người đi xe máy bị nước lũ cuốn trôi tại đập tràn thuộc xã Đạo Trù (Tam Đảo). Trung tá Nguyễn Mạnh Huy đã báo cáo xin chỉ đạo của cấp trên, sau đó, chỉ huy đội triển khai lực lượng và phương tiện một cách nhanh chóng để CNCH.
Khi đến hiện trường, bất chấp mưa bão và dòng nước lũ dữ dội, cán bộ, chiến sĩ trong đội đã ngâm mình dưới nước lạnh gần 10 giờ đồng hồ để tìm kiếm các nạn nhân và phương tiện bàn giao cho gia đình và lực lượng chức năng.
Trung tá Nguyễn Mạnh Huy cho biết: “Tam Đảo là huyện miền núi, địa hình phức tạp, mùa mưa bão thường bị ngập úng, lũ quét, sạt lở đất... do đó, công tác CNCH rất quan trọng. Nhiệm vụ CNCH không chỉ đòi hỏi người lính phải có sức khỏe, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tình huống nguy hiểm mà còn phải có tinh thần thép, gan dạ, dũng cảm, hết lòng vì người dân. Tôi và cán bộ, chiến sĩ trong đội luôn tự hào là người lính làm nhiệm vụ PCCC&CNCH”.
Trong khoảnh khắc gặp nạn, khi mọi hy vọng của nạn nhân dần chìm trong bóng tối thì những người lính CNCH như ánh sáng, niềm tin và sức mạnh giúp nạn nhân vượt qua khó khăn. Tinh thần trách nhiệm, sự dũng cảm và lòng nhân ái là những yếu tố để Trung tá Nguyễn Mạnh Huy, Thượng úy Nguyễn Trường Giang và những đồng đội của các anh sẵn sàng bất chấp nguy hiểm để bảo vệ sự an toàn và bình yên cho nhân dân. Các anh là những người hùng trong cuộc sống đời thường.
Bài, ảnh: Minh Hường