Hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước, thời gian qua, các cấp, các ngành trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, khuyến khích đầu tư, phát triển du lịch, đặc biệt gắn kết du lịch, quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc thông qua sản phẩm OCOP.
Với dây chuyền sản xuất hiện đại, các sản phẩm của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo được nhiều du khách tin dùng và lựa chọn làm quà tặng. Ảnh: Thế Hùng
Vĩnh Phúc được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có truyền thống văn hóa lâu đời với nhiều lễ hội, phong tục tập quán tốt đẹp và độc đáo, nhiều di tích lịch sử, tôn giáo, kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, giàu bản sắc nhân văn như Khu du lịch Tam Đảo được công nhận là khu du lịch quốc gia, được tổ chức World Travel Awards vinh danh là thị trấn du lịch hàng đầu thế giới; Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên - viên ngọc quý nằm giữa vùng núi Tam Đảo; Tháp Bình Sơn; khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải...
Cùng với đó, hệ thống các sân golf nổi tiếng với cơ sở hạ tầng hiện đại, mang đẳng cấp quốc tế như Tam Đảo, Đại Lải, Đầm Vạc, Thanh Lanh.
Phát huy những lợi thế đó, những năm gần đây, ngành Du lịch Vĩnh Phúc đã có nhiều đổi mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân trong và ngoài nước.
Đặc biệt, năm 2019, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã phát động cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch và nhận được sự tham gia, ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp và hợp tác xã trên địa bàn. Từ 70 tác phẩm, sản phẩm dự thi, Ban Tổ chức đã tổng kết và trao thưởng cho 11 mẫu, sản phẩm với thiết kế sáng tạo, sang trọng, lịch sự và gây ấn tượng.
Năm 2022, Vĩnh Phúc đã công bố danh sách các mẫu sản phẩm lưu niệm và quà tặng du lịch của tỉnh. Trong đó, chủ yếu là các sản phẩm OCOP như bộ sản phẩm được sản xuất từ mật ong, trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, gạo Phú Xuân, thanh long ruột đỏ, cao rắn gia truyền...
Cùng với đó, các doanh nghiệp, người dân chủ động đầu tư trang thiết bị, nghiên cứu cho ra mắt nhiều bộ sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch để lan tỏa sản phẩm đặc trưng của địa phương đến mọi miền, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ.
Tiêu biểu như Công ty cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco), với hình thức thiết kế sang trọng, lịch sự, mang dấu ấn riêng, đến nay, các sản phẩm OCOP của Honeco được nhiều du khách trong và ngoài nước tin dùng, chọn làm quà tặng khi đến Vĩnh Phúc.
Hay các sản phẩm nấm, đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo được nhiều du khách đánh giá cao về chất lượng, tính thẩm mỹ. Công ty cổ phần Thương mại và Du lịch quốc tế Tsubame đã sử dụng 60% sản phẩm OCOP của tỉnh vào trong sét quà tặng của đơn vị. Qua đó, không chỉ tạo dấu ấn về những điểm đến, lưu lại ký ức cho du khách về hình ảnh đất và người Vĩnh Phúc, mà còn góp phần kích cầu chi tiêu, tăng doanh thu cho ngành Du lịch.
Đồng chí Đỗ Hoàng Dương, Trưởng Phòng Quản lý du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: "Du lịch Vĩnh Phúc đang trên đà phát triển, lượng khách quốc tế cũng như khách du lịch nội địa ngày càng tăng. Đặc biệt, nhiều điểm đến trong tỉnh được bình chọn là địa chỉ yêu thích của du khách quốc tế.
Nếu như năm 2011, Vĩnh Phúc đạt 1,6 triệu lượt khách (trong đó có 25 nghìn khách quốc tế) thì đến năm 2023 đạt 9,3 triệu lượt khách (trong đó 81 nghìn lượt khách quốc tế). 7 tháng năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 6,6 triệu lượt khách du lịch, đạt 66% kế hoạch năm; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 2.600 tỷ đồng, đạt hơn 65% kế hoạch năm".
Nhiều du khách tham quan gian hàng sản phẩm OCOP trà hoa vàng Tam Đảo tại Trung tâm Giao dịch giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản, làng nghề tỉnh. Ảnh: Thế Hùng
Bên cạnh kết quả đạt được, các dịch vụ, sản phẩm du lịch, quà tặng, quà lưu niệm trên địa bàn tỉnh chưa thu hút nhiều du khách, bởi chủng loại, mẫu mã chưa đa dạng, phong phú. Vì vậy, số lượng du khách tới Vĩnh Phúc những năm gần đây liên tục tăng, song mức chi tiêu của họ lại hạn chế, khiến doanh thu từ ngành Du lịch của tỉnh chưa cao.
Để du lịch Vĩnh Phúc "nhả trứng vàng", đặc biệt gắn kết du lịch, quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc thông qua sản phẩm OCOP, tỉnh cần có thêm những cơ chế, chính sách hỗ trợ để các các doanh nghiệp kinh doanh quà tặng, quà lưu niệm không chỉ đảm bảo về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ mà còn đa dạng, phong phú về chủng loại, mẫu mã.
Mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên tập trung xây dựng, hoàn thiện các sản phẩm gắn với mục đích phát triển du lịch. Đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các chủ thể sản xuất phát triển sản phẩm, tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu; từng bước tiếp cận thị trường gắn với chuỗi giá trị, hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP đặc sắc, bền vững từ các làng nghề thủ công truyền thống gắn kết với các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các hội thảo, hội chợ du lịch...
Hồng Tính