Bánh gio (còn gọi là bánh nẳng) làng Tây Đình, xã Tam Hợp, huyện Bình Xuyên là món ăn ngon nổi tiếng, được thực khách ưa chuộng. Tuy nhiên, hiện nay món ăn này ít được người dân chế biến trong bữa ăn hằng ngày.
Bà Ngô Thị Kim Thúy ở xã Tam Hợp là một trong số ít người còn làm món bánh gio làng Tây Đình. Ảnh: Kim Ly
Bà Ngô Thị Kim Thúy ở thôn Chợ Nội, xã Tam Hợp là một trong số ít người dân địa phương làm bánh gio để bán. Trước đây, bánh gio là món ăn phổ biến được người dân làng Tây Đình chế biến trong bữa ăn hằng ngày. Bà Thúy được mẹ hướng dẫn cách làm bánh từ khi còn nhỏ. Lớn lên, bà giữ thói quen làm bánh vào mỗi dịp lễ, Tết hoặc khi có thời gian rảnh rỗi.
Mấy năm nay, nhiều người có nhu cầu thưởng thức món bánh gio truyền thống của làng Tây Đình xưa, nên bà Thúy làm bánh bán theo đơn đặt hàng để có thêm thu nhập.
Bà Thúy chia sẻ: "Nguyên liệu để làm bánh gio tuy đơn giản song công đoạn chế biến khá cầu kỳ, đòi hỏi người làm bánh phải tỉ mỉ, kỹ lưỡng từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, làm sạch các dụng cụ nấu nướng, pha chế nước ngâm gạo, gói bánh, luộc bánh.
Đầu tiên, để làm được món bánh gio phải có nguyên liệu là vỏ các loại cây xoan, bưởi, lá khế, cây vừng, cành mận… sau đó, đem phơi khô, đốt lấy tro. Phần tro được đem ngâm với nước vôi rồi dùng khăn lọc bỏ cặn, chỉ sử dụng phần nước trong để ngâm với gạo nếp từ 13 - 15 giờ.
Có thể sử dụng nhiều loại gạo nếp để làm bánh gio, song ngon nhất vẫn là gạo nếp cái hoa vàng. Gạo sau khi ngâm được đãi, rửa sạch, phơi ráo nước và đem gói bằng các loại lá như dong, mai, chít. Những chiếc bánh gio dài khoảng một gang tay, phần lưng hơi gù. Bánh gói xong được đem đi luộc từ 6 - 8 giờ rồi vớt ra để nguội.
Bà Thúy nhanh tay thực hiện các công đoạn làm bánh một cách thuần thục. Từng chiếc bánh nóng hổi ra “lò”, mùi thơm từ gạo nếp, lá dong tỏa ra kích thích vị giác của chúng tôi. Bà Thúy cho biết: “Bánh chín có thể ăn ngay, nhưng để thưởng thức món bánh ngon nhất là sau một đêm, khi bánh đã nguội. Bánh có thể bảo quản từ 3 - 4 ngày trong ngăn mát tủ lạnh.
Những chiếc bánh đạt tiêu chuẩn có màu vàng cánh gián, khi ăn có độ dẻo, rền, mùi thơm mát dễ chịu, thường được chấm kèm với mật mía hoặc đường để tăng thêm hương vị.
Điểm khác biệt của bánh gio Tây Đình so với các loại bánh gio trên thị trường là dù bánh được luộc trong nhiều giờ nhưng khi dùng dao cắt ra, miếng bánh vẫn còn hình hạt gạo chứ không bị nát nhừ.
Món bánh được chế biến cầu kỳ, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng cho thành quả xứng đáng bởi mùi vị thơm ngon, bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe".
Bánh gio Tây Đình khi ăn có độ dẻo, rền, vị thơm mát. Ảnh: Kim Ly
Các thế hệ dân làng Tây Đình truyền nhau bí quyết để làm ra món bánh dẻo thơm khó có nơi nào sánh kịp. Theo bà Thúy, thứ làm nên hương vị đặc biệt, riêng có của bánh gio nằm ở nước vôi và tro ngâm gạo. Lượng vôi trong nước phải ở mức vừa đủ thì bánh mới rền, mới thơm.
Để căn chỉnh lượng vôi vừa đủ, người ta nhai một miếng trầu và cau thành bã, sau đó, lấy một chút hỗn hợp nước vôi và tro đã pha chế đổ lên bã trầu văn vê, nếu bã trầu chuyển màu đỏ tức là lượng vôi đã đủ, bã trầu chuyển màu trắng tức là thiếu vôi, cần phải cho thêm.
Đặc biệt, bánh gio là món ăn kị dầu mỡ. Các loại xoong, nồi, dụng cụ dùng để chế biến bánh gio phải được cọ rửa kỹ càng, sạch sẽ trước khi chế biến. Nếu để dính mỡ, bánh sẽ mất đi màu vàng cánh gián đẹp mắt mà chuyển sang màu trắng bệch.
Chủ tịch UBND xã Tam Hợp Nguyễn Trọng Thành cho biết: "Bánh gio là món ăn nổi tiếng của người dân làng Tây Đình xưa nhưng hiện nay ít người biết đến. Ở địa phương chỉ còn một số người cao tuổi biết cách chế biến món ăn độc đáo này và có một vài hộ dân làm bánh bán ra thị trường.
Những thực khách đã từng ăn bánh gio Tây Đình thì không thể quên được hương vị đặc biệt của món ăn độc đáo này. Những hạt gạo nếp thơm lành cùng thứ nước gio đặc biệt đã làm nên những miếng bánh thơm mát, ngọt ngào, đượm mùi đồng quê.
Để giữ gìn món ăn truyền thống, chính quyền địa phương tích cực tuyên truyền người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về ý nghĩa, cách chế biến món bánh gio Tây Đình; tăng cường quảng bá văn hóa ẩm thực truyền thống của địa phương để nhiều người biết đến; từng bước phát triển thương hiệu bánh gio Tây Đình trở thành sản phẩm đặc trưng của Vĩnh Phúc, phục vụ du khách đến tham quan, thưởng thức.
Qua đó góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Bình Xuyên nói riêng, Vĩnh Phúc nói chung đến với du khách, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển.
Bạch Nga