Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cấp nước tập trung tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm tiện ích trong quản lý, giao dịch với khách hàng. Việc thúc đẩy chuyển đổi số góp phần giúp doanh nghiệp, đơn vị nâng cao năng lực hoạt động và chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về nước sạch.

Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc sử dụng phần mềm eKMap giúp nâng cao hiệu quả quản lý mạng lưới đường ống cấp nước.
Là doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực cấp nước tập trung của tỉnh, Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc tích cực đầu tư, ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng hệ thống giám sát, điều khiển tự động tại các nhà máy, xí nghiệp trực thuộc.
Hiện nay, công ty áp dụng phần mềm quản lý trên mạng lưới cấp nước Aquasoft và bản đồ eKMap, giúp tối ưu hóa cách thức quản lý tài nguyên, dễ dàng cập nhật thông tin và đảm bảo tính chính xác, hiệu quả trong quản lý, khai thác thông tin mạng lưới cấp nước.
Để kiểm soát chất lượng nước, công ty thành lập Phòng Quản lý chất lượng nước theo tiêu chuẩn ISO 17025, ứng dụng công nghệ hiện đại kiểm tra chất lượng nước hằng ngày, đảm bảo nước cấp ra đạt yêu cầu quy định của Bộ Y tế.
Công ty sử dụng phần mềm City Work quản lý thông tin khách hàng trên nền tảng điện toán đám mây, giúp việc chăm sóc khách hàng trở nên nhanh chóng, thuận tiện, có thể thực hiện ngay trên máy tính hoặc điện thoại di động thông minh.
Bên cạnh đó, phần mềm City Work còn được sử dụng trong công tác quản lý tài chính, kế toán, cùng với việc áp dụng các phần mềm như Bravo, SpeedMain… giúp công ty thực hiện chuyển đổi phương thức phát hành hóa đơn giấy truyền thống sang hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính, kế toán, đảm bảo tính chính xác.
Để bắt kịp xu thế phát triển, đảm bảo thuận tiện cho khách hàng, công ty phối hợp với các ngân hàng thương mại cổ phần áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt mà thông qua tài khoản ngân hàng và các ví điện tử. Hiện nay, 100% khách hàng của công ty thanh toán tiền nước qua ngân hàng.
Ông Đỗ Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc cho biết: Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, công ty thực hiện nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý, trước tiên tập trung vào các hoạt động chính như sản xuất nước, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, kế toán...
Hiện, mạng lưới cấp nước sạch của công ty đã trải khắp 8/9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, tập trung trên địa bàn thành phố Vĩnh Yên. Năm 2023, sản lượng nước sản xuất của công ty đạt hơn 10,4 triệu m3, tăng 4% so với năm 2022; sản lượng nước tiêu thụ đạt gần 9,2 triệu m3, tăng 5% so với năm 2022; tỉ lệ thất thoát nước sạch giảm ở mức dưới 12%, hoàn thành mục tiêu đề ra.
Không chỉ tại các doanh nghiệp cấp nước sạch tập trung khu vực đô thị, các đơn vị cấp nước sạch tập trung khu vực nông thôn cũng đang từng bước “chuyển mình”, ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động, nâng cao khả năng cấp nước, chất lượng dịch vụ phục vụ người dân khu vực nông thôn.
Với việc cung cấp nước sạch cho hơn 34.500 hộ dân tại 28 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đang quản lý, vận hành 11 công trình cấp nước tập trung có tổng công suất thiết kế 23.000m3/ngày đêm.

Cán bộ Công ty cổ phần Cấp thoát nước số I Vĩnh Phúc hướng dẫn khách hàng sử dụng ứng dụng của ngân hàng trên điện thoại thông minh để thanh toán tiền nước.
Hiện nay, trung tâm áp dụng phần mềm ezWater ghi chỉ số nước và quản lý đồng hồ nước của khách hàng, giúp giảm thiểu sai sót, chi phí nhân công và tỉ lệ thất thoát nước.
Tháng 1/2024, trung tâm phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng một số nhà mạng viễn thông triển khai gửi tin nhắn, thông báo và thu tiền sử dụng nước cho khách hàng thông qua ứng dụng của ngân hàng, giúp khách hàng thuận tiện hơn khi sử dụng dịch vụ.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết:
“Công tác chuyển đổi số tại trung tâm mới đang ở bước đầu. Mặc dù hoạt động chủ yếu là cung cấp nước cho khu vực nông thôn, nhận thức của khách hàng về chuyển đổi số còn hạn chế, song, trung tâm luôn nỗ lực học hỏi kinh nghiệm chuyển đổi số từ các đơn vị đi trước, tích cực hợp tác với các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển hạ tầng số trong lĩnh vực cấp nước để áp dụng giải pháp tối ưu về công nghệ, giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng tăng cường phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân tiếp cận và sử dụng các tiện ích, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân khu vực nông thôn trong vấn đề sử dụng nước sạch”.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước, giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời, giảm thiểu tối đa sai sót, thất thoát nước và gian lận trong hoạt động cấp nước.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, 100% dân số khu vực đô thị, 85% dân số khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch tập trung, hiện nay, các doanh nghiệp, đơn vị cấp nước không ngừng đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới phục vụ, trong đó, thúc đẩy chuyển đổi số được xác định là mắt xích quan trọng trong tiến trình phát triển, từ đó, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân về nước sạch.
Bài, ảnh: Hoàng Sơn