Từ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, giá trứng gia cầm liên tục giảm do nguồn cung dồi dào và nhu cầu tiêu dùng hạn chế, đặc biệt từ đầu tháng 3 này, giá trứng giảm mạnh khiến người chăn nuôi phải chật vật gồng lỗ từng ngày.
Do thiếu liên kết trong sản xuất, các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: Thế Hùng
Với quy mô chăn nuôi 5.000 gà ai cập trắng, mỗi ngày trang trại của anh Bùi Văn Kim, xã Đại Đồng (Vĩnh Tường) thu về hơn 4.200 quả trứng bán ra thị trường. Tuy nhiên, từ sau Tết Nguyên đáng đến nay, giá trứng bắt đầu giảm thấp.
Nếu trước Tết, giá trứng gà Ai Cập vẫn còn duy trì ở mức 1,8 nghìn đồng/quả, thì nay đã xuống mức 1,6 nghìn đồng/quả. Thậm chí, có thời điểm giá trứng giảm xuốn dưới 1,4 nghìn đồng/quả.
Điều này khiến anh Kim không khỏi lo lắng: “Từ cuối năm 2023 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi có giảm, tuy nhiên vẫn ở mức cao. Với 5.000 gà, mỗi ngày gia đình tôi phải chi phí 5,5 triệu đồng mua thức ăn chăn nuôi. Do đó, giá trứng gà Ai Cập phải đạt 1,6 nghìn đồng/quả trở lên thì chăn nuôi mới có lãi. Giá trứng như hiện nay, gia đình đang phải gánh khoản lỗ 500 nghìn đồng/ngày”.
Không chỉ giá trứng gà giảm mạnh, giá trứng vịt bắt đầu giảm từ cuối tháng 10 (âm lịch) năm Quý Mão (2023), từ mức bán 2,4 - 2,5 nghìn đồng/quả xuống 2 nghìn đồng/quả trong gần 3 tháng trở lại đây.
Là người có thâm niên nhiều năm trong chăn nuôi vịt đẻ, ông Phạm Xuân Đoàn, xã Hoàng Lâu (Tam Dương) cho hay: “Sức ăn của vịt tương đối lớn, trung bình mỗi ngày, một con vịt tiêu thụ 1,6 nghìn đồng tiền cám. Chưa kể, năm nay giá trấu lót chuồng cũng tăng cao so với các năm trước. Với quy mô nuôi 3.000 vịt đẻ, gia đình tôi hiện đang phải chịu lỗ gần chục triệu đồng mỗi tháng”.
Chia sẻ về nguyên nhân của sự sụt giảm này, theo các hộ chăn nuôi, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm của người dân giảm mạnh. Bởi, trứng gia cầm chủ yếu cung cấp cho các công ty sản xuất bánh kẹo. Song các công ty này phải qua tháng 5 mới bắt đầu đẩy mạnh sản xuất. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay nguồn cung trứng gia cầm có thể coi là khá dồi dào.
Theo thông tin từ Cục Thống kê, tính đến hết tháng 2, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 11,8 nghìn con, tăng 0,25% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tổng sản lượng trứng gia cầm trong 2 tháng đầu năm cũng tăng 5,48% so với cùng kỳ.
Bên cạnh nguyên nhân chính là nguồn cung dồi dào, nhu cầu tiêu dùng hạn chế, hiện tượng thời tiết nồm ẩm thời gian gần đây khiến việc bảo quản trứng gia cầm gặp nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng các cơ sở chăn nuôi nhỏ không có kho bảo quản lạnh phải xuất bán ồ ạt.
Thực trạng giá trứng gia cầm giảm mạnh sau Tết Nguyên đán không phải là câu chuyện mới, mà gần như năm nào cũng vậy. Song việc tìm kiếm đầu ra ổn định vẫn là bài toán khó đối với người nông dân hiện nay.
Ông Đoàn chia sẻ: “Vẫn biết sau Tết giá trứng sẽ giảm, nhưng chăn nuôi khác với trồng rau, mỗi lứa vịt đẻ cho thu trứng trong gần 2 năm, do đó chúng tôi phải chấp nhận lúc lãi, lúc lỗ. Thời điểm giá trứng xuống thấp như hiện nay cũng chỉ có thể chờ giá lên, chứ không thể giảm đàn hay cắt giảm thức ăn được”.
Thực trạng này cho thấy đã đến lúc người chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng cần quan tâm tới việc xây dựng và tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm để giảm chi phí đầu vào cũng như giảm thiểu tác động bấp bênh từ thị trường.
Để hạn chế tình trạng “được mùa - mất giá” trong sản xuất, hiện ngành nông nghiệp đang tập trung các giải pháp phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh và xử lý tốt môi trường; chăn nuôi nông hộ theo phương thức chăn nuôi hữu cơ, sinh thái.
Đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Nguyễn Hường