Bắt nhịp xu hướng chuyển đổi số (CĐS), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong nhiều hoạt động từ quá trình quản lý, vận hành, sản xuất đến tiêu dùng. Qua đó, không chỉ tối ưu hóa mọi chi phí, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh mà còn giúp kết nối gần hơn với khách hàng, người tiêu dùng. Đồng thời, thúc đẩy nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh phát triển, đưa Vĩnh Phúc sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Công ty cổ phần tinh chất Quê Việt, thị trấn Kim Long (Tam Dương) ứng dụng công nghệ số, mở rộng mạng lưới bán hàng, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Ảnh: Chu Kiều
Với sự đầu tư bài bản cho chất lượng tốt, giá cả hợp lý, các sản phẩm nấm và đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã (HTX) Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn.
Để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, đưa các set quà Tết đến gần với người tiêu dùng hơn, cùng với việc liên tục đăng tải các video giới thiệu quy trình sản xuất, hoàn thiện và đóng gói các sản phẩm, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn vừa qua, HTX Nấm Tam Đảo còn trực tiếp livestreams trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok...quảng bá, bán sản phẩm. Nhờ đó, lượng hàng bán ra tăng từ 30 - 40% so với những tháng trước đó.
Không riêng HTX Nấm Tam Đảo, việc giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng online ngày càng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhất là từ khi xảy ra đại dịch Covid - 19 và đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trong bối cảnh các ngành nghề, lĩnh vực cùng số hóa, việc ứng dụng CNTT và CĐS không còn là lựa chọn mà trở thành hướng đi bắt buộc đối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động ngày càng sâu rộng.
Hiện, các công ty công nghệ, viễn thông lớn trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện trên mọi lĩnh vực với đầy đủ các sản phẩm như hóa đơn điện tử, vé điện tử, hợp đồng điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử...
100% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã sử dụng phần mềm quản lý và thực hiện giao dịch trực tuyến. Một số doanh nghiệp đã biết cách sử dụng và khai thác các công nghệ như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn... trong phân tích dữ liệu và quản lý, điều hành doanh nghiệp.
Nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nhanh quá trình CĐS trong các doanh nghiệp, đơn vị hiệu quả, năm 2023, bên cạnh công tác tuyên truyền, Sở Công thương đã tổ chức hội nghị tập huấn cho cán bộ thực thi pháp luật về thương mại điện tử, 8 lớp đào tạo kỹ năng thương mại điện tử cho các hộ kinh doanh thuộc các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh; đồng thời, hỗ trợ 10 doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng website thương mại điện tử...
Toàn tỉnh hiện có hơn 9.500 chữ ký số của các công ty, doanh nghiệp sử dụng để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart; khoảng 72% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh (SXKD); 100% doanh nghiệp đã hoàn thành việc đăng ký phát hành, sử dụng hoá đơn điện tử...
Những kết quả bước đầu đạt được đã và đang đẩy nhanh quá trình phát triển nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, tỷ trọng kinh tế số chiếm 21,6% GRDP của tỉnh. Tuy nhiên, việc ứng dụng thương mại điện tử phục vụ hoạt động SXKD của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trở nên phổ biến nhưng phần lớn doanh nghiệp chưa có chiến lược cũng như đầu tư thích đáng để khai thác các ứng dụng này theo chiều sâu.
Trên địa bàn tỉnh chưa có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thương mại điện tử quy mô lớn. Tỷ lệ doanh nghiệp có trang web có chức năng mua, bán, tiếp thị, thanh toán, hoàn tất đơn hàng trên website so với tổng số doanh nghiệp đang hoạt động của tỉnh còn chiếm tỷ lệ thấp, chủ yếu mới chỉ dừng lại ở hình thức quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Để Vĩnh Phúc nằm trong top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về CĐS vào năm 2025, Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh đã đề ra 5 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phải thực hiện trong năm 2024 để đạt mục tiêu phấn đấu tối thiểu 80% doanh nghiệp ở các lĩnh vực, ngành nghề triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động SXKD và tham gia vào các hoạt động giao dịch thương mại trên môi trường mạng; tỷ trọng kinh tế số đạt tối thiểu 20% GRDP; tỷ trọng doanh nghiệp sử dụng hợp đồng thương mại điện tử đạt 50%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt tối thiểu 75%...
Theo đó, thời gian tới, tỉnh tiếp tục phối hợp với các đơn vị viễn thông nâng cao chất lượng hạ tầng số, đáp ứng tốt nhu cầu trong công cuộc chuyển dịch nền kinh tế. Hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng trang web thương mại điện tử phù hợp với mô hình SXKD, sản phẩm hàng hóa của đơn vị và tham gia vào mạng lưới thương mại điện tử xuyên biên giới.
Xây dựng Sàn thương mại điện tử tỉnh Vĩnh Phúc theo hướng hiện đại, tiện dụng, liên kết cao và hiệu quả. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát, phát huy vai trò các hội, hiệp hội ngành nghề trong tỉnh và hỗ trợ quá trình CĐS của doanh nghiệp...
Lưu Nhung