Cuối tuần trước, mấy cô em họ hàng nhắn tin rủ rê đi xem chợ hoa tết và mua áo dài ở khu thương xá Phúc Lộc Thọ (quận Cam, bang California, Mỹ), tôi mới giật mình nhớ ra một cái tết nữa đang đến thật gần.
Chiều thứ bảy, nắng đẹp. Mọi con đường đổ về chợ hoa tết đều rộn ràng. Đó là sự kết hợp của tiếng động cơ xe tìm chỗ đậu, tiếng khách bộ hành tươi tắn kêu gọi nhau đi thật nhanh, âm thanh của những bản nhạc xuân vọng ra từ những hàng quán bên đường. Có mấy anh chàng người Mễ Tây Cơ, cũng tranh thủ dịp này, đem những xe lưu động chất đầy hotdog, nước ngọt, bánh kẹo đứng ở ngã tư bán cho khách đi chơi xuân. Phúc Lộc Thọ những ngày cận tết ngập trong sắc màu của tết: bao lì xì, mai, đào, phong lan còn chi chít nụ, dưa hấu, bánh mứt, và những tà áo dài. Rừng người đang nối đuôi nhau mua sắm và chụp ảnh. Những gương mặt Việt, nói giọng Việt, cười vui âm thanh tết Việt thật không khỏi làm tôi bùi ngùi nhớ cảnh tết xưa trên quê hương mình.
Một góc chợ tết Việt ở bang California, Mỹ
Tết trong tuổi thơ tôi là háo hức chờ đến sau lễ cúng đưa Ông Táo, đứng vắt vẻo xem các chú và ba lặt lá mai. Rồi tối 30 đến, nhà tôi bày nồi bếp nấu bánh tét cũng ngay dưới gốc mai này. Khi đó, những nụ mai đã căng tròn. Khói bếp, khói nhang, khói bánh nghi ngút từ nồi bánh nhà tôi và nhà hàng xóm như sương như mây, phả vào bức tranh cuối năm một hơi ấm đã hai mươi mấy năm rồi tôi không còn được thấy.
Thời khắc giao thừa là giây phút mà tôi mong chờ nhất cả thảy. Khi chú tôi đã quét dọn sạch tủ thờ, bàn ghế, khi bà nội đã nấu xong xôi chè, khi ba tôi đặt chiếc bàn nhỏ trước sân, má tôi sắp xếp mâm quả, bông hoa, giấy tiền xanh đỏ. Mấy anh em tôi chạy loanh quanh như thỏ, nhấp nha nhấp nhổm cứ như pháo đốt đến đít. Rồi cũng có pháo thật. Ba tôi bắt ghế, treo lên cành cao của cây mai một phong pháo dài như bím tóc thiếu nữ, chi chít những viên pháo nhỏ thơm nồng cái mùi phốt pho. Khi chiếc đồng hồ treo tường hiệu Gimiko phát đúng 12 tiếng chuông, báo hiệu đã sang năm mới, tiếng pháo đì đùng từ cửa nhà này sang cửa nhà khác khuấy động cả bầu không khí.
Thời gian trôi qua, nếp sống cũ cũng có nhiều đổi thay. Tôi theo gia đình rời quê hương đến làm tổ nơi đất người. Mọi thứ rộng lớn hơn, của cải vật chất dồi dào hơn, khoảng cách giữa con người và cuộc sống cũng xa dần hơn. Nhưng cái tết của người Việt ở quận Cam một lần nữa cho tôi nhìn lại văn hóa của mình và yêu hơn nữa những giá trị cổ truyền mà không thứ gì đánh đổi được dù có ở bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Với tôi, tết người hay tết ta, từ trong tim mà ra!
Q.N (theo Báo Thanh niên)