Thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị tập trung rà soát, cấu trúc lại quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) trên cơ sở liên thông điện tử và tái sử dụng dữ liệu để xây dựng, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến, thanh toán trực tuyến, bảo đảm nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
VNPT Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều chương trình, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công cuộc chuyển đổi số của tỉnh với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Hiện nay, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh có 1.865 DVC, trong đó có 922 DVC trực tuyến toàn trình, 667 DVC trực tuyến một phần và 276 dịch vụ cung cấp thông tin.
Tỉnh đã tích hợp 1.260 TTHC cung cấp DVC trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, trong đó, 748 TTHC cung cấp DVC trực tuyến toàn trình, 512 TTHC cung cấp DVC trực tuyến một phần.
Ngoài ra, có 471 TTHC yêu cầu nghĩa vụ tài chính, trong đó 435 thủ tục tích hợp thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia.
Năm 2023, có 18 cơ quan, đơn vị của tỉnh phát sinh hồ sơ nộp trực tuyến với tổng số 57.235 hồ sơ; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến toàn trình và một phần trung bình đạt 20,41%/tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết của các sở, ban, ngành.
Đối với cấp huyện, có 251.698 hồ sơ nộp trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trung bình đạt 96,71%/tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết.
Toàn tỉnh phát sinh 88.045 giao dịch thành công thu phí, lệ phí thanh toán trực tuyến với tổng số tiền hơn 6.450 tỷ đồng.
Những số liệu nêu trên thể hiện sự cố gắng của các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã trong tiếp nhận, giải quyết TTHC DVC trực tuyến cho tổ chức, cá nhân. Đồng thời, nhận thức của người dân về thực hiện các DVC trực tuyến có nhiều sự thay đổi, tiến bộ, hiểu được sự tiện ích của DVC trực tuyến, thường xuyên sử dụng khi giao dịch với cơ quan quản lý Nhà nước thay thế cho hình thức giao dịch thông thường.
Là đơn vị thực hiện nhiệm vụ CĐS của tỉnh, VNPT Vĩnh Phúc luôn tích cực trong việc phối hợp các sở, ban, ngành triển khai 25 DVC thiết yếu như 4 DVC thực hiện trên phần mềm VNPT iGate; 4 DVC thực hiện song song phần mềm VNPT iGate và phần mềm của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải; 2 DVC liên thông giữa các cơ quan đơn vị thực hiện giải quyết trên cổng DVC QG gồm liên thông đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Còn lại 15 DVC chỉ thực hiện trên hệ thống chuyên ngành như Bộ Tài chính; Bộ TN&MT; Bộ GDĐT…
Đến nay, VNPT đã và đang triển khai nhiều chương trình, sản phẩm CNTT phục vụ CĐS của tỉnh như mạng lưới 11.500 km internet cáp quang tốc độ cao bao phủ toàn bộ địa bàn tỉnh; hệ thống 572 trạm BTS phủ sóng 3G, 4G trên phạm vi toàn tỉnh và đang chuẩn bị triển khai mạng 5G; gần 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh sử dụng hệ thống phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán BHYT (VNPT HIS) tích hợp căn cước công dân gắn chip; cung cấp hóa đơn điện tử, chữ ký số cho người dân, doanh nghiệp; hệ sinh thái CĐS doanh nghiệp SME ONE...
Ông Nguyễn Văn Phây, Tổ trưởng Tổ khai thác dịch vụ OMC - VNPT Vĩnh Phúc cho biết: Đơn vị đã xây dựng chương trình, kế hoạch CĐS năm 2024, trọng tâm là phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số.
Đồng thời tập trung xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng thành phố thông minh; đẩy nhanh việc thanh toán không dùng tiền mặt, quan trắc môi trường tự động, hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử... Từ đó, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch, TTHC với cơ quan quản lý Nhà nước.
Thời gian tới, UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, tham gia ý kiến để xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển, cung cấp ứng dụng, dịch vụ số.
Các sở, ngành, địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa các cấp, đặc biệt nâng cao tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến đối với các dịch vụ đã được triển khai ở cả 3 cấp.
Hạ tầng thông tin và truyền thông của tỉnh ngày càng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số.
Đồng thời rà soát, tái cấu trúc quy trình, điện tử hóa mẫu đơn, tờ khai, kết qủa giải quyết TTHC. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh về đơn giản hóa các TTHC.
Giao sở Thông tin và Truyền thông tham mưu, rà soát, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông, hạ tầng số, mạng lưới kết nối vạn vật liên thông, đồng bộ, hiện đại nhằm phục vụ CĐS toàn diện; tạo sự bứt phá cho tỉnh về hạ tầng, ứng dụng CNTT, truyền thông.
Phấn đấu đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông của Vĩnh Phúc đáp ứng yêu cầu CĐS, phát triển ổn định, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền.
Trong đó, phát triển và nâng cấp trung tâm tích hợp dữ liệu theo công nghệ điện toán đám mây, nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung và các hệ thống cơ sở dữ liệu quan trọng của tỉnh, tạo nền tảng cho phát triển chính quyền điện tử đồng bộ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Quốc gia.
Bài, ảnh: Ngọc Lan