Cuối năm, tình trạng lừa đảo có xu hướng gia tăng. Nhiều chiêu thức, thủ đoạn được các đối tượng áp dụng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người dân. Nổi lên có việc lập facebook giả nhắn tin lừa đảo người dân có con em đang học tập, sinh sống ở nước ngoài.
Chị T.T.N, thành phố Vĩnh Yên có con trai thuộc diện du học sinh đang học tập tại Đức. Mới đây, một đối tượng đã lập nick giả con trai chị, nhắn tin cho chị với ý định lừa đảo tiền.
Qua nhắn tin, đối tượng lập nick “K.L” giả làm con trai chị N (nick con trai chị N cũng mang tên K.L) cho biết, ở Đức đang có nhiều người muốn gửi tiền nhanh về cho gia đình qua dịch vụ. Do đó, “K.L” bàn với “mẹ” tranh thủ kiêm thêm dịch vụ này để hưởng "hoa hồng". Cụ thể, ở Đức, “K.L” sẽ nhận ngoại tệ (Euro). Sau khi tính toán, quy đổi sang tiền Việt Nam sẽ báo cho mẹ (là chị N) chuyển khoản cho gia đình, người thân của khách hàng đang ở Việt Nam.

Đối tượng dùng nick giả để nhắn tin cho chị N.T.N
Đánh vào tâm lý, “K.L” báo mức phí hưởng dịch vụ “hoa hồng” rất cao, lên đến 10%. Đồng thời cho biết, hiện đang có một khách hàng cần chuyển gấp 86 triệu đồng về cho gia đình ở Việt Nam để mua sắm dịp cuối năm. Và "K.L" liên tục hối thúc chị N chuyển khoản luôn, phí dịch vụ được hưởng sẽ là 8,6 triệu đồng.
Ban đầu, chị N tưởng nick “K.L” là con trai mình, nhưng sau khi nhắn tin qua lại nhiều, thấy lời lẽ của con trai có biểu hiện khác lạ nên sinh nghi. Một mặt, chị N vào nick “K.L” kiểm tra, đồng thời điện thoại cho con trai để xác minh và biết đối tượng đang nhắn tin cho mình có ý định lừa đảo.
Lập tức, chị N bật “chế độ” cảnh giác, đề nghị đối tượng phải chuyển tiền Euro vào tài khoản của mình trước, xong mới chuyển khoản tiền Việt cho khách. Biết không lừa được chị N, tài khoản “K.L” đã chặn kết bạn với chị N trên facebook.

Người dân cần cảnh giác trước các tin nhắn đề nghị chuyển tiền như vụ việc trên
Theo thông tin của một số du học sinh Đức (cũng là bạn con trai chị N), hình thức lừa đảo này đang có xu hướng gia tăng. Và với thủ đoạn tương tự, thời gian vừa qua, đã có không ít nạn nhân bị lừa đảo. Đối tượng có thể dùng nick giả, hoặc hack nick để giả danh người đang ở nước ngoài nhắn tin cho gia đình, bạn bè hoặc người thân ở Việt Nam. Đã có người bị mất hàng trăm triệu đồng, hoặc từ 1.000 - 2.000 Euro vì tưởng đối tượng lừa đảo là người thân của mình.
Chị T.T.N cho biết: "Với những trường hợp bị lừa tiền thực sự rất đáng tiếc. Nguyên nhân là do mọi người không tinh ý phát hiện cách nói chuyện của đối tượng. Hoặc ít va chạm, không thường xuyên nghe thông tin về các vụ việc lừa đảo tương tự. Còn đối với tôi, luôn cảnh giác trước các tin nhắn đề nghị chuyển khoản tiền, ngay cả đối với người thân trong gia đình".
Có thể thấy, hình thức hack facebook rồi giả danh để đi lừa đảo tiền tuy không mới, nhưng ở vụ việc trên, các đối tượng lại hướng đến du học sinh, người đang ở nước ngoài. Thời điểm này gần Tết Nguyên đán, nhiều người có nhu cầu gửi tiền về cho gia đình mua sắm nên các đối tượng đã lựa chọn hình thức lừa đảo rất tinh vi, đánh trúng tâm lý, nhu cầu về dịch vụ gửi tiền.
Mặt khác, cũng do khoảng cách địa lý, hay việc chênh lệc múi giờ khiến việc điện thoại xác minh có sự hạn chế nhất định. Do đó, không ít người tưởng thật, nghĩ là người thân, bạn bè mình nên vô tình chuyển khoản và trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Vì vậy, mọi người cần nêu cao tinh thần cảnh giác khi có người nhắn tin đề nghị chuyển khoản, kể cả người thân nếu chưa có điều kiện xác minh, tránh để mất tiền vì chiêu trò lừa đảo này.
Hà Trần