Ngày nay việc sử dụng tài khoản ngân hàng trong các giao dịch trực tuyến dần trở nên phổ biến với đại đa số người dân bởi lợi thế về thời gian, chi phí và tính tiện lợi. Mặc dù vậy, tội phạm trong lĩnh vực này cũng gia tăng nhanh chóng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ hiện đại để chiếm đoạt quyền điều khiển, đánh cắp tiền trong tài khoản. Do vậy, người dân cần chủ động nâng cao kiến thức, cẩn trọng trong giữ gìn thông tin tài khoản và giao dịch trực tuyến để tránh bị lừa đảo.
Khi có những vấn phát sinh liên quan đến tài khoản ngân hàng, người dân cần đến trực tiếp hoặc gọi đến số tổng đài của ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn cụ thể.
Sáng 26/11/2023, chị N.T.H trú tại phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) đến cơ quan công an trình báo việc chị bị kẻ gian lừa đảo khiến hơn 300 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng không cánh mà bay.
Số là chị H mua hàng trực tuyến trên một trang thương mại điện tử, sau đó có tin nhắn gửi đến đề nghị chị truy cập vào đường link trong tin nhắn để nhận được khuyến mại, khi chị truy cập vào liền bị kẻ gian đánh cắp tiền trong tài khoản.
Trước đó, chị N.T.P trú tại TDP Minh Quyết, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) bán hàng tạp hóa gần Khu công nghiệp Khai Quang cho biết chị cũng bị kẻ gian lừa mất gần 3 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Cụ thể, trong quá trình bán hàng, chị P đã chuyển nhầm số tiền 200 nghìn đồng vào một tài khoản lạ, chị gọi điện thoại nhờ chủ tài khoản bên kia chuyển tiền lại nhưng chủ tài khoản bên kia không chuyển.
Ít phút sau, có người gọi điện đến tự xưng là nhân viên ngân hàng, hỏi thông tin về việc chị chuyển nhầm tiền, đề nghị chị cung cấp mã OTP để được hỗ trợ. Sau khi chị P cung cấp mã OTP thì toàn bộ tiền trong tài khoản của chị bị rút sạch.
Chưa có số liệu thống kê đầy đủ về tội phạm lừa đảo tài khoản ngân hàng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, theo đánh giá của Công an tỉnh, thời gian qua, hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin, dữ liệu cá nhân trên một số diễn đàn, hội nhóm, không gian mạng đang gia tăng.
Hoạt động tạo lập, phát tán các phần mềm ứng dụng chứa mã độc nhằm mục đích lừa đảo, đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân tiếp tục diễn ra ngày càng nguy hiểm; xuất hiện ngày càng nhiều các đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin để phạm tội lừa đảo tài sản, đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài khoản ngân hàng…
Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện, khởi tố 80 vụ, với 121 bị can phạm tội về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và lĩnh vực công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản của các tổ chức, cá nhân. Trong đó có không ít vụ lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.
Phân tích của các cơ quan chuyên môn cho thấy, hiện nay, hệ thống bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn của hầu hết các ngân hàng đều khá chắc chắn, các đối tượng rất khó để xâm nhập, đánh cắp.
Chính vì vậy, các đối tượng này sẽ hướng đến các cá nhân sử dụng tài khoản, bằng cách sử dụng các phần mềm chứa mã độc gửi đến điện thoại của cá nhân với các đường link giả mạo ngân hàng hoặc các website của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.
Nếu như truy cập vào đường link đó, chủ tài khoản đã vô tình cung cấp quyền truy cập cho kẻ gian, tạo điều kiện cho các đối tượng dễ dàng lấy cắp mã OTP từ điện thoại của chủ tài khoản và đánh cắp tiền trong tài khoản.
Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả danh nhân viên ngân hàng, cán bộ công an, tòa án… gọi điện đến hỗ trợ hoặc yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP để được hỗ trợ, khi nạn nhân cung cấp thông tin sẽ nhanh chóng bị chiếm đoạt và đánh cắp tiền trong tài khoản.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện nay có gần 60% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng; gần 70% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử.
Do vậy, để chủ động bảo đảm an toàn tài khoản cá nhân trong hoạt động ngân hàng cũng như các giao dịch trực tuyến, Ngân hàng Nhà nước khuyến cao người dân giữ bí mật thông tin, không đọc các thông tin như: Mã đăng nhập ứng dụng ngân hàng, mã OTP khi thực hiện các giao dịch, mật mã thẻ ATM, mã CCV/CVV nằm phía sau thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ cho bất kỳ ai.
Khóa thẻ thanh toán online khi không dùng; thường xuyên thay đổi mật khẩu tài khoản ngân hàng online; bảo mật điện thoại di động; sử dụng các hình thức xác thực bằng OTP; không mở email, đường link đáng ngờ; không vào tài khoản ngân hàng khi dùng mạng wifi công cộng; đăng kí SMS Banking để cập nhật tài khoản mỗi khi tài khoản của bạn có thay đổi…
Nếu có bất kỳ yêu cầu hay thông tin đáng ngờ từ các đối tượng lạ về tài khoản ngân hàng trực tuyến, người dân cần đến trực tiếp ngân hàng để được cung cấp thông tin và hướng dẫn cụ thể hoặc trình báo cơ quan công an nơi gần nhất để được hỗ trợ xử lý.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh