Cùng với triển khai chương trình xây dựng nông thô mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu, đặc biệt thực tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất, kinh tế nông nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, thúc đẩy các hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.
Gia đình anh Đặng Văn Trang, xã Bình Dương (Vĩnh Tường) chăn nuôi bò sữa cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Ảnh: Thế Hùng
Được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2022, nhưng xã Bình Dương (Vĩnh Tường) vẫn là xã thuần nông, sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế như: Ruộng đất manh mún, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình sản xuất còn chậm; việc dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất còn gặp khó khăn; sản phẩm làm ra sức cạnh tranh chưa cao.
Do đó, ngay từ những ngày đầu triển khai xây dựng NTM nâng cao, Đảng ủy, chính quyền xã Bình Dương đã chú trọng tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế hộ, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tập trung phát triển các cây, con chủ lực có thế mạnh của địa phương.
Đến nay, trong xã đã hình thành vùng sản xuất hành lá tập trung với 3ha, hành lá thành trở thành cây trồng thế mạnh của Bình Dương với tổng diện tích gần 30 ha. Ngoài ra, nhiều mô hình sản xuất chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP như mô hình nuôi gà đẻ, bò sữa; chăn nuôi lợn áp dụng công nghệ; mô hình trình diễn các giống lúa mới VNR20, TBR97... được hình thành và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Dương cho hay: "Cùng với việc triển khai xây dựng NTM nâng cao, nhận thức của nông dân trong xã đã có chuyển biến tích cực chủ động tiếp cận cách làm mới, áp dụng tiến bộ KHKT nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, cải thiện thu nhập. Năm 2023 thu nhập bình quân đầu người của xã Bình Dương ước đạt 68 triệu đồng/năm".
Không chỉ riêng Bình Dương, triển khai xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương luôn quan tâm thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Định hướng, hỗ trợ cho người dân phát triển hình thức sản xuất phù hợp, bền vững và nâng cao giá trị sản xuất.
Đồng hành cùng các địa phương, nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất đã được triển khai và đưa vào cuộc sống như hỗ trợ chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây ăn quả và kết hợp nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ giống lúa mới, giống thủy sản; tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm; hỗ trợ triển khai sản xuất rau, quả hàng hóa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hữu cơ và đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Cùng với việc hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với thế mạnh của từng địa phương, việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các hình thức tổ chức sản xuất cũng được tỉnh quan tâm thực hiện. Trong đó, tập trung vào hướng dẫn các HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012, hướng dẫn thực hiện kinh tế trang trại theo Thông tư số 02/2020 ngày 28/2/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT).
Đồng thời, người dân tại các địa phương cũng được tuyên truyền, vận động phát triển mô hình kinh tế tập thể, HTX góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tăng thu nhập. Đến nay, toàn tỉnh đã có 307 HTX dịch vụ nông nghiệp.
Xác định được vai trò của khoa học công nghệ (KHCN) trong xây dựng NTM, thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện trên 130 đề tài, dự án KHCN thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, xây dựng NTM. Các đề tài nghiên cứu tập trung vào việc thử nghiệm các giống cây, con có năng suất, chất lượng cao; ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, đời sống, phù hợp nhu cầu thực tế sản xuất của nông dân. Nhiều đề tài được ứng dụng rộng rãi vào thực tế đời sống góp phần quan trọng phát triển KT - XH của tỉnh.
Việc quan tâm phát triển sản xuất gắn với xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh đã giúp KT - XH tại các địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm.
Phát huy những kết quả đạt được, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, gắn với phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng KT - XH; nhân rộng và phát triển hiệu quả các mô hình sản xuất hàng hóa tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp. Đồng thời, triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gắn với lợi thế của từng địa phương.
Nguyễn Hường