Kỳ 2: Làm giàu từ giá trị văn hóa
Không chỉ mang lại những giá trị tinh thần phong phú, văn hóa đang ngày càng chứng tỏ tầm quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển. Trong xây dựng LVHKM, những yếu tố văn hóa truyền thống đã và đang trở thành điểm nhấn cho khung cảnh làng quê, mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong cộng đồng.
Văn hóa truyền thống - nguồn lực nội sinh
Vĩnh Phúc được biết đến là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời, nơi lưu giữ những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc chan hòa với cảnh quan thiên nhiên.
Trải qua hơn 300 năm lịch sử, đền Đá xã Phú Đa (Vĩnh Tường) trở thành điểm nhấn, hồn cốt của LVHKM thôn Đông, thu hút khách du lịch đến tham quan. Ảnh: Trà Hương
Trong tỉnh hiện có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 65 di tích cấp quốc gia, hơn 400 di tích cấp tỉnh được công nhận là các di tích lịch sử - văn hóa… và hàng trăm di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận như ca trù, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt, nghi lễ và trò chơi kéo song.
Ngoài ra, tỉnh ta còn có 29 làng nghề truyền thống với những sản phẩm đặc trưng nức tiếng khắp trong và ngoài tỉnh. Với tất cả những hiện thân sống động đó, những bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống chính là tài nguyên quý giá, là nguồn lực quan trọng góp phần vào phát triển kinh tế của tỉnh.
Trên tinh thần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa làng để không chỉ xây dựng Làng văn hóa phát triển toàn diện, giàu bản sắc văn hóa mà còn làm giàu từ các giá trị văn hóa truyền thống, thời gian qua, các LVHKM đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế dựa trên đặc điểm lợi thế về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống với những đặc trưng riêng.
Ở đó có sự đan xen, kết hợp giữa các lĩnh vực văn hóa, du lịch dịch vụ, sản xuất nông nghiệp… Điển hình như dịch vụ du lịch ẩm thực, hình thành các tuyến phố đi bộ trong làng, phát triển homestay, farmstay, phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trồng cây dược liệu, cây lâm nghiệp, chăn nuôi... theo hướng tạo ra các đặc sản gắn với du lịch, theo các tiêu chuẩn OCOP.
Làm giàu từ giá trị văn hóa
Nằm yên bình bên bờ sông Hồng, thôn Đông xã Phú Đa (Vĩnh Tường) từ lâu đã được biết đến là một làng quê thuần nông với những nét đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nơi đây có ngôi đền Đá đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1990.
HTX Cơ khí Hải Dương, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nghề rèn truyền thống, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ảnh: Nguyễn Lượng
Giữa mênh mông nước, dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng thâm nghiêm, ngôi đền Đá cùng kiến trúc độc đáo đã tô điểm cho khung cảnh làng quê nơi đây những nét vẽ cổ kính, nên thơ. Trải qua hơn 300 năm lịch sử, đến nay, ngôi đền không chỉ là thiết chế tâm linh của người dân địa phương mà còn trở thành điểm nhấn, hồn cốt của LVHKM thôn Đông, thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch ở địa phương.
Ông Trần Đình Chiến, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Đa chia sẻ: “Thực hiện chương trình xây dựng LVHKM, đặc biệt sau khi thiết chế văn hóa, thế thao và mô hình trồng sen được xây dựng ngay cạnh khu vực đền Đá đã đem đến cho nơi đây một diện mạo mới.
Không chỉ mang lại không gian sinh hoạt cộng đồng văn minh hiện đại cho nhân dân mà còn tạo nên bức tranh làng quê tươi đẹp có sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại, văn minh vừa mang đậm đặc trưng của làng quê Bắc Bộ xưa, tạo sức hấp dẫn về văn hóa và du lịch của địa phương, thu hút sự quan tâm của du khách trong và ngoài tỉnh thăm quan, trải nghiệm”.
Chỉ trong vòng vài tháng khi mùa sen nở rộ, địa phương đã đón hơn 1.000 lượt khách đến thăm quan, check - in, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng trong phát triển kinh tế của một làng quê thuần nông với mô hình du lịch đồng quê.
Tiếp tục quá trình xây dựng LVHKM thôn Đông trở thành vùng quê đáng sống, địa phương tiếp tục tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử đền Đá và nâng cao giá trị thương mại của khu đầm sen, đặc biệt hỗ trợ người dân tạo ra 2 sản phẩm là trà ướp sen và trà sen túi lọc. Từ đó, góp phần tạo thêm việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của bà con trong thôn.
Khác với Phú Đa, mô hình phát triển kinh tế ở LVHMK Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) được xây dựng trên cơ sở phát huy những giá trị văn hóa cổ truyền và làng nghề truyền thống.
Chẳng ai còn nhớ nghề rèn ở Bàn Mạch ra đời từ khi nào, thế nhưng, trải qua hàng trăm năm, tiếng búa chao chát đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân nơi đây.
Cả xã Lý Nhân hiện có gần 700 hộ làm nghề rèn. Phát huy những giá trị truyền thống cùng sự nhạy bén trong tiếp cận thị trường, công nghệ mới, nghề rèn ở Lý Nhân đang ngày càng phát triển với thị trường rộng khắp từ miền Bắc tới miền Nam, thậm chí xuất khẩu sang một số nước như Lào, Campuchia...
Để tiếp sức và đưa làng nghề rèn truyền thống phát triển, tại LVHKM thôn Bàn Mạch hiện đang xây dựng một nhà thờ tưởng nhớ công ơn của tổ nghề và trưng bày, giới thiệu những sản phẩm truyền thống của địa phương.
Bên cạnh nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh trong làng nghề, chính quyền xã Lý Nhân cũng đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch cộng đồng dựa trên những lợi thế sẵn có của địa phương về làng nghề truyền thống, các di tích tâm linh, lễ hội…
Theo đó, ngoài xây dựng nhà thờ tổ nghề, trên cơ sở các hỗ trợ thiết thực của tỉnh thôn Bàn Mạch đã triển khai mô hình trồng sen, phát triển nhiều sản phẩm OCOP từ sen như trà sen, tâm sen, hạt sen… Đồng thời xã tiếp tục thực hiện tôn tạo lại các di tích đình - chùa góp thêm những điểm nhấn văn hóa trong phát triển du lịch làng nghề, tạo sức hấp dẫn của điểm đến đối với du khách trong và ngoài nước.
Mặc dù vẫn đang ở những bước đi đầu tiên, song LVHKM Bàn Mạch đã và đang chứng tỏ được sức hút của mình khi đã đón được hàng trăm lượt khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về làng nghề mỗi tháng.
Ông Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân khẳng định “Xây dựng LVHKM Bàn Mạch là tiền đề quan trọng để địa phương phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới”. Với định hướng đúng đắn trong việc khai thác bản sắc, giá trị truyền thống của địa phương trong phát triển du lịch, LVHKM Bàn Mạch hứa hẹn trở thành một điểm du lịch làng nghề đầy tiềm năng.
Những thành công bước đầu trong xây dựng LVHKM đã và đang khơi dậy các giá trị văn hóa nhân văn, nhân cách, nhân tính tốt đẹp của đất và người Vĩnh Phúc. Đồng thời, đưa các giá trị truyền thống tốt đẹp gắn với thúc đẩy phát triển du lịch và làm giàu ở các địa phương.
Nguyễn Hường