Văn hóa làng là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa dân tộc. Trong dòng chảy hội nhập và phát triển ngày nay, việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa làng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mà còn là động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn văn hóa làng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM).
Lễ hội Kéo song được nhân dân thị trấn Hương Canh tổ chức hằng năm, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương. Ảnh: Kim Ly
Làng là nơi sinh sống lâu đời của người dân nông thôn, có phạm vi và đặc trưng riêng biệt. Trong quá trình phát triển, làng được chia thành các thôn, xóm để thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước. Cùng với quá trình đô thị hóa, các khái niệm tổ dân phố, khu phố có chức năng tương tự đã ra đời và hình thành.
Theo quan niệm của người Việt, làng là một gia đình lớn, một xã hội thu nhỏ. Mỗi làng là một cộng đồng được liên kết chặt chẽ với nhau bởi các mối quan hệ gia đình, láng giềng, dòng tộc… cùng những giá trị về lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, lễ giáo, tập tục… đã tạo nên nét đặc trưng riêng của mỗi làng.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa của làng là việc làm cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi các giá trị văn hóa truyền thống đang chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực trước sự xâm nhập của các luồng văn hóa ngoại lai.
Vấn đề bảo tồn văn hóa làng, xây dựng làng văn hóa luôn được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm triển khai. Trong đó, phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Qua đó, phát huy tinh thần “Tương thân, tương ái”, giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; nâng cao ý thức tự quản cộng đồng; huy động nguồn lực to lớn trong nhân dân xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, thiết chế văn hóa - thể thao; tạo chuyển biến, tiến bộ thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; duy trì và phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ; bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn đẩy lùi các tệ nạn xã hội... Năm 2022, toàn tỉnh có 1.151/1.237 thôn, làng, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa (93%).
Nhằm tiếp tục gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa làng trong đời sống hiện đại, năm 2023, tỉnh ban hành chủ trương xây dựng LVHKM với mục tiêu xây dựng các làng văn hóa tiêu biểu trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no và hạnh phúc.
Sau gần 1 năm triển khai, Đề án xây dựng LVHKM đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao của một số LVHKM đã được khánh thành và đưa vào sử dụng, trở thành địa điểm hội họp, tập luyện thể dục-thể thao, sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, đọc sách, báo… của người dân địa phương. Các giá trị văn hóa của làng được coi trọng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy.
Là địa phương có lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, du lịch, làng nghề, tổ dân phố Trong Ngoài, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên được tỉnh lựa chọn là 1 trong số 30 thôn, làng, tổ dân phố xây dựng LVHKM. Cuối tháng 8/2023, khu thiết chế văn hóa - thể thao LVHKM Trong Ngoài đã được khánh thành và đưa vào sử dụng với đầy đủ các hạng mục nhà văn hóa, khu thể thao, công viên, vườn hoa, cây xanh, vườn dạo, đáp ứng sự mong mỏi, chờ đợi của nhân dân. Đây cũng là nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề gốm, các hiện vật của Lễ hội Kéo song.
Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Canh Vũ Thị Thúy Hằng cho biết: "Mặc dù Hương Canh đã trở thành thị trấn nhưng những giá trị truyền thống của ngôi làng cổ vẫn được duy trì trong đời sống hiện đại. Năm 2023, cụm đình Hương Canh (Hương Canh, Tiên Canh, Ngọc Canh) đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Hằng năm, nhân dân địa phương tổ chức Lễ hội Kéo song (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại)".
Làng nghề gốm Hương Canh đã được hình thành cách đây hàng trăm năm hiện vẫn “đỏ lửa”. Ngoài ra, món ăn truyền thống của người dân Hương Canh là cháo se, bánh hòn đã giúp nhiều hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Việc xây dựng LVHKM giúp bảo tồn giá trị văn hóa làng, nâng tầm, phát huy các di sản văn hóa của địa phương, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Người dân đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy ước, hương ước của địa phương.
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa làng là nội dung quan trọng trong xây dựng LVHKM. Đây là hướng đi đúng đắn, cách làm sáng tạo của Vĩnh Phúc góp phần xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Bạch Nga