Tiếng nói, chữ viết là linh hồn của mỗi dân tộc; giữ gìn tiếng nói, chữ viết của một dân tộc chính là bảo vệ, gìn giữ linh hồn của dân tộc ấy. Do vậy, những năm qua, đồng bào dân tộc Cao Lan ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn quan tâm, thực hiện việc bảo tồn, truyền dạy tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
Các em nhỏ dân tộc Cao Lan được truyền dạy tiếng nói và làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình
Quang Yên là địa phương duy nhất trong tỉnh có đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống tập trung với khoảng 2.000 người. Cũng như các dân tộc thiểu số khác, văn hóa dân tộc Cao Lan bị chi phối, ảnh hưởng bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường và quá trình hội nhập quốc tế. Bên cạnh những giá trị văn hóa truyền thống còn được gìn giữ, bảo tồn đến ngày nay, một số phong tục, tập quán cùng các giá trị văn hóa phi vật thể khác của đồng bào dân tộc Cao Lan bị mai một, trong đó có tiếng nói, chữ viết.
Trước thực tế đó, cách đây nhiều năm, đồng bào Cao Lan đã mở các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết cho con em dân tộc mình. Song, các lớp mở ra không được bao lâu đều phải “đóng cửa” do không có người học. Nguyên nhân là bởi chữ viết của dân tộc Cao Lan là loại chữ viết cổ, viết theo thể chữ tượng hình Hán Nôm, rất khó đọc, khó nhớ. Mặt khác, do phải lo phát triển kinh tế, nhiều người trẻ không còn mặn mà với việc gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hầu hết người dân chỉ học chữ quốc ngữ và ngoại ngữ để phục vụ cho công việc, rất ít người dành thời gian nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết của dân tộc Cao Lan.
Phó Chủ tịch UBND xã Quang Yên Vi Đình Quang là người dân tộc Cao Lan. Ông luôn trăn trở về việc làm sao để giữ gìn được tiếng nói, chữ viết của đồng bào mình cho thế hệ sau. Ông Vi Đình Quang cho biết: “Tiếng nói, chữ viết không chỉ là phương thức giao tiếp đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều phong tục, tập quán cũng như các nghi thức tâm linh của đồng bào dân tộc Cao Lan như lễ cúng mụ, lễ đặt tên thánh, lễ cấp sắc, tang ma… Để thực hiện những nghi lễ này, cần có những thầy cúng thông thạo chữ viết cổ của người Cao Lan đến xem ngày, giờ và thực hiện các nghi thức tế lễ theo tập tục của đồng bào”.
Khoảng chục năm về trước, số người có thể đọc, viết thành thạo chữ viết cổ của người Cao Lan chỉ đếm trên đầu ngón tay, chủ yếu là các cụ cao tuổi. Song hiện giờ, số người biết chữ đã tăng thêm vài người, hầu hết đều ở độ tuổi trung niên. Điều này là do các cụ đã truyền dạy lại cho con cháu trong gia đình. Mặc dù vậy, số người biết chữ viết cổ hiện còn rất ít.
Là thôn có nhiều tiềm năng, lợi thế về văn hóa, du lịch với lễ hội Xuống đồng, lễ hội Chọi dê và nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Cao Lan, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên được tỉnh lựa chọn là 1 trong số 30 thôn, làng, tổ dân phố xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trong năm 2023. Các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc Cao Lan được quan tâm bảo tồn, phát huy.
Mới đây, thôn Đồng Dong đã tổ chức lễ ra mắt các câu lạc bộ (CLB) văn hóa, thể thao và truyền dạy tiếng nói, chữ viết, điệu hát Sình ca của dân tộc Cao Lan. Những cuốn sách cổ của dân tộc Cao Lan do ông cha để lại được in sao thành nhiều bản phát cho mọi người làm tài liệu. Các cụ già am hiểu chữ viết cổ trực tiếp truyền dạy cho mọi người theo phương thức truyền miệng. Các em nhỏ cũng được truyền dạy tiếng nói và làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc mình.
Ông Sầm Văn Tề, Chủ nhiệm CLB dân ca, dân vũ thôn Đồng Dong cho biết: "Ngoài sinh hoạt văn nghệ, CLB còn dạy tiếng nói, chữ viết và điệu hát Sình ca cho các cháu nhỏ. Những bài hát Sình ca được viết bằng chữ viết cổ của dân tộc, vì vậy, khi học hát, các cháu được học cả chữ viết.
CLB còn tích cực tuyên truyền, giáo dục cho các thành viên và các cháu nhỏ về giá trị của di sản văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức của mỗi cá nhân trong việc bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, nâng cao đời sống cho nhân dân".
Cháu Nguyễn Ngọc Hân, 9 tuổi ở thôn Đồng Dong chia sẻ: "Được tham dự lớp học tiếng nói, chữ viết và làn điệu Sình ca của dân tộc Cao Lan cháu cảm thấy rất vui và tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ở nhà, mẹ cũng thường dạy cháu những bài hát Sình ca để cháu thấy rõ cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc mình. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để giữ gìn tiếng nói, chữ viết và làn điệu dân ca truyền thống của dân tộc".
Hiện nay, việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Cao Lan chủ yếu tự phát trong nhân dân do tỉnh chưa xây dựng phương án bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tiếng nói của dân tộc Cao Lan vẫn được các gia đình duy trì, chỉ có một số ít các cháu nhỏ là không biết tiếng dân tộc mình. Còn chữ viết khó học hơn nên rất ít người biết.
Để bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Cao Lan, địa phương khuyến khích các gia đình sử dụng tiếng Cao Lan để giao tiếp trong cuộc sống hằng ngày; duy trì các lớp truyền dạy tiếng nói, chữ viết, làn điệu Sình ca cùng với đó là việc giữ gìn các phong tục, tập quán, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào.
Bài, ảnh: Bạch Nga