Với vị trí địa lý thuận lợi, dễ dàng tiếp cận với các tuyến giao thông lớn của tỉnh và cả nước, đặc biệt, có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại..., một số khu công nghiệp (KCN) kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Vì vậy, cần tiếp tục nhân rộng mô hình này, góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa tới các KCN khác, từng bước hiện thực hóa mục tiêu đưa Vĩnh Phúc sớm trở thành trung tâm công nghiệp lớn của vùng và cả nước.
Với hạ tầng đồng bộ, cảnh quan đẹp, KCN Bá Thiện II có sức hấp dẫn lớn với nhiều nhà đầu tư. Ảnh: Khánh Linh
Nằm cách Thủ đô Hà Nội 50 km theo hướng Tây Bắc, KCN Bá Thiện II do Công ty Cổ phần Vina - CPK làm chủ đầu tư được xây dựng trên địa bàn các xã: Thiện Kế, Bá Hiến và Trung Mỹ (Bình Xuyên) có tổng diện tích hơn 308 ha với tổng vốn đầu tư 65 triệu USD, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.
KCN được xây dựng trong 4 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1, 2 và 3 đã hoàn thành; đến nay KCN đã được cho thuê lại gần 100% diện tích của giai đoạn 1, 2 và 3, đang tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng giai đoạn 4.
Sức hấp dẫn của KCN này không chỉ đến từ vị trí địa lý mà còn ở sự đồng bộ về hạ tầng, hiện đại về công nghệ. Hệ thống giao thông nội bộ được xây dựng theo tiêu chuẩn đường bê tông nhằm hạn chế tối đa việc các nhà máy phải phân bố lại kế hoạch sản xuất do việc nâng cấp sửa chữa mặt đường gây ra.
Toàn bộ hệ thống cấp thoát nước của KCN cũng được đi ngầm bên dưới hành lang đường, tạo sự an toàn và vệ sinh chung cho các phương tiện và công nhân lưu thông trong KCN.
Bên cạnh hạ tầng đồng bộ, chất lượng cao, khu nhà điều hành hiện đại của KCN có đầy đủ các tiện ích, dịch vụ phục vụ cho các nhà máy sản xuất với hệ thống cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, tạo không gian xanh - sạch - thân thiện với môi trường; hệ thống xử lý nước thải đạt công suất 10.000 m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn Quốc tế...
Rất nhiều DN đã chọn KCN Bá Thiện II là "bến đỗ" đầu tư, trong đó, có nhiều DN lớn như Công ty TNHH may mặc TAL Việt Nam gia công, sản xuất các mặt hàng quần áo xuất khẩu; Công ty TNHH Nippon Paint Vĩnh Phúc sản xuất sơn; Công ty TNHH Assa Abloy sản xuất khóa cửa thông minh…
Đặc biệt là Công ty TNHH Polaris (nằm trong TOP 500 DN lớn nhất của Hoa Kỳ) chuyên sản xuất mô tô, xe máy, phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, xe có động cơ khác với công suất khoảng 30 nghìn sản phẩm/năm.
Đến nay, KCN này hiện thu hút 73 dự án của nhà đầu tư thứ cấp với tổng vốn đầu tư trên 900 triệu USD, giải quyết việc làm ổn định cho trên 23.000 lao động.
Đánh giá về môi trường đầu tư tại KCN Bá Thiện II, đại diện Công ty TNHH Assa Abloy (Thụy Điển) cho biết, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh của KCN có tính kết nối cùng vị trí địa lý thuận lợi gần sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) và nguồn lao động dồi dào... là những lý do để DN lựa chọn là bến đỗ đầu tư sau khi đi khảo sát, nghiên cứu địa điểm xây dựng nhà máy ở một số tỉnh, thành phía Bắc.
KCN Thăng Long Vĩnh Phúc do Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản) làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn đăng ký hơn 2.000 tỷ đồng có quy mô 213 ha, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đã thu hút 42 dự án đầu tư, bao gồm 9 dự án DDI có tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỷ đồng và 33 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 953 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Các dự án này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất động cơ, phụ tùng, linh kiện cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy; sản xuất phụ kiện điện tử, các sản phẩm cơ khí chính xác… Dù có tỷ lệ lấp đầy khá cao nhưng KCN vẫn có sức hút lớn khi nhiều nhà đầu tư thứ cấp bày tỏ mong muốn đầu tư xây dựng nhà máy tại đây, đồng thời, các DN đã và đang đầu tư tại KCN cũng liên tục xây dựng thêm nhiều nhà xưởng...
Từ chỗ chỉ có 1 KCN khi mới tái lập, đến nay, tỉnh đã có 19 KCN được quy hoạch, trong đó có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký đầu tư với tổng diện tích hơn 3.156 ha; trong đó đã có 9 KCN đi vào hoạt động.
Bám sát định hướng phát triển của tỉnh, thời gian qua, các chủ đầu tư đã tập trung đầu tư nguồn lực, xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng các KCN theo hướng đồng bộ, hiện đại, từng bước tạo lợi thế, sức cạnh tranh so với các tỉnh, thành phố lân cận; tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư thứ cấp ở các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường.
9 tháng năm 2023, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 29 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 35 lượt dự án. Lũy kế đến giữa tháng 9/2023, có 468 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các KCN đến từ 18 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Từ đầu năm 2023 đến nay, tại các KCN có thêm 18 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; 13 dự án đang triển khai xây dựng và lắp đặt máy móc thiết bị nhà xưởng; 45 dự án mới cấp đang làm các thủ tục để triển khai xây dựng nhà xưởng.
Đến nay, tỷ lệ lấp đầy các KCN trên địa bàn tỉnh đạt 56%. Một số KCN có tỷ lệ lấp đầy cao như Khai Quang đạt 96%, Bình Xuyên đạt 97%, Thăng Long Vĩnh Phúc đạt 86%...
Để tiếp tục tạo sức hút với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, có thêm nhiều KCN kiểu mẫu, Ban Quản lý các KCN tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư các KCN tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự và đảm bảo an toàn, không để xảy ra cháy nổ trong KCN; chăm sóc hệ thống cây xanh, cây viền, thảm cỏ, đảm bảo công tác vệ sinh, quét dọn đường, hành lang KCN luôn sạch sẽ, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp; duy trì hệ thống chiếu sáng phục vụ hoạt động SXKD và người lao động đi làm ca trong KCN...
Hiện, Ban Quản lý các KCN đã tham mưu, đề xuất Tỉnh ủy, UBND tỉnh quy hoạch KCN Tam Dương I – Khu vực 3 phát triển thành KCN công nghệ cao của tỉnh với hạ tầng, cảnh quan đồng bộ, hiện đại...
Lưu Nhung