Những năm qua, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp đã tích cực tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; triển khai toàn diện và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội. Qua đó, phát huy vai trò là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tại hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện Sông Lô với nhân dân trên địa bàn huyện, các ý kiến, kiến nghị được lãnh đạo huyện tiếp thu, trả lời thỏa đáng. Ảnh: Dương Hà
Những năm gần đây, huyện Lập Thạch dành nhiều sự quan tâm đến hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Từ đầu năm đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện Lập Thạch phối hợp tổ chức 4 cuộc giám sát; Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng ở các xã, thị trấn tổ chức được 25 cuộc giám sát, tập trung vào các dự án, chương trình, các quy ước, hương ước và quy định của pháp luật.
Các tổ hòa giải cơ sở hoạt động hiệu quả, đã tiếp nhận 91 vụ việc, hòa giải thành 86 vụ việc. Cùng với đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ phối hợp với Thường trực HĐND, UBND huyện tổ chức 5 hội nghị tiếp xúc cử tri trước, sau các kỳ họp Quốc hội, HĐND tỉnh và HĐND huyện với hơn 1.000 cử tri tham dự; có 26 lượt ý kiến, kiến nghị của cử tri được MTTQ huyện tổng hợp, gửi đến các cơ quan có liên quan trả lời theo thẩm quyền.
Thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Huyện ủy Lập Thạch đã tổ chức học tập, quán triệt, triển khai đến đội ngũ cán bộ chủ chốt, các Đảng bộ, chi bộ, đảng viên, bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng ban công tác mặt trận và chi hội trưởng các đoàn thể.
Định kỳ hằng tháng, Ban Thường trực MTTQ huyện tham dự các buổi đối thoại trực tiếp với công dân do đồng chí Bí thư Huyện ủy chủ trì. Thông qua đó, những kiến nghị, bức xúc của nhân dân được tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Từ năm 2013 đến năm 2022, huyện Lập Thạch đã tổ chức được 155 cuộc đối thoại cấp xã, thị trấn, 26 cuộc đối thoại cấp huyện. Từ đó, đã phát huy được sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển KT-XH ở địa phương.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy về thực hiện Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị, Ủy ban MTTQ tỉnh hướng dẫn, triển khai thực hiện trong hệ thống MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; tổ chức hội nghị tập huấn tới cán bộ mặt trận từ tỉnh đến cơ sở; phối hợp với các tổ chức thành viên phổ biến, triển khai các văn bản hướng dẫn đến đảng viên, cán bộ, công chức, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân được biết và tham gia thực hiện.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức để nhân dân góp ý đối với dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tổ chức lấy ý kiến tham gia góp ý vào các dự án luật có liên quan trực tiếp tới quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như Dự thảo Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Trưng cầu ý dân, các văn bản quy phạm pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thông qua các hội nghị, trang thông tin điện tử, góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản.
Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng hợp 78.502 lượt ý kiến tham gia góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) và hơn 76.000 lượt ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi)…
Thực hiện Quyết định số 55 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn tỉnh, từ năm 2016 đến nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh đã đối thoại được 14 cuộc, trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh phối hợp tổ chức 4 cuộc đối thoại; Tỉnh Đoàn phối hợp tổ chức 3 cuộc đối thoại với đoàn viên, thanh niên và 2 chương trình tọa đàm.
Đoàn Thanh niên các cấp tổ chức hơn 120 chương trình diễn đàn, tọa đàm, đối thoại tại địa phương với hơn 30.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham dự; LĐLĐ tỉnh phối hợp tổ chức 2 cuộc đối thoại với đại diện công nhân, lao động về các vấn đề như cơ chế chính sách, giải pháp xây dựng thiết chế Công đoàn, các nhà văn hóa công nhân, hỗ trợ công nhân mua nhà thu nhập thấp; lãnh đạo tỉnh đối thoại 2 cuộc với đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn, 1 cuộc với cán bộ, hội viên phụ nữ, 1 cuộc với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế, 1 cuộc với cán bộ quản lý ngành Giáo dục về giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2020-2025.
Công tác góp ý xây dựng chính quyền được Ủy ban MTTQ các cấp thực hiện thông qua các kỳ tiếp xúc cử tri; các hoạt động giám sát và phản biện xã hội. Ban công tác mặt trận ở khu dân cư, MTTQ và các tổ chức thành viên ở từng cấp nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, tổng hợp bằng văn bản để báo cáo tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND, UBND cùng cấp.
Chất lượng, nội dung góp ý ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và nhân dân, là “cầu nối” giữa Đảng, chính quyền với nhân dân.
Từ năm 2014 đến năm 2022, tỉnh đã tổ chức được 438 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng với nhân dân; 687 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân và 1.017 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân.
Qua đối thoại, người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền đã lắng nghe, tiếp thu, giải quyết những ý kiến, kiến nghị, những vấn đề bức xúc kịp thời, dứt điểm, nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, tăng cường mối quan hệ giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Việc thực hiện tốt Quyết định số 217, 218 của Bộ Chính trị đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền trong việc tổ chức để nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; tạo sự thống nhất về nhận thức, phương pháp, cách thức triển khai thực hiện đối với cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời, khẳng định vai trò của MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội trong tham mưu, đề xuất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai góp ý xây dựng Đảng, chính quyền và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội.
Hoàng Hà