Khai thác thế mạnh của các nền tảng mạng xã hội, nhiều cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN), nông dân tại các địa phương thực hiện thí điểm xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) trên địa bàn tỉnh đã và đang tìm tòi, đẩy mạnh quảng bá, đưa các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương đến đông đảo khách hàng, tạo điểm nhấn trong việc triển khai các mô hình kinh tế, góp phần thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), hình thành nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh.
Gia đình anh Lâm Văn Cao, thôn Đồng Dong, xã Quang Yên (Sông Lô) sửdụng các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT để giới thiệu, quảng bá và bán các mặt hàng thuốc nam gia truyền.Ảnh: Thế Hùng
Theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030, tỉnh sẽ triển khai một số nội dung hỗ trợ mô hình kinh doanh thương mại - dịch vụ (TM - DV) để xây dựng LVHKM với đối tượng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân triển khai thực hiện các mô hình siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi; cửa hàng kinh doanh tổng hợp; điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh và của địa phương; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại nơi thực hiện xây dựng LVHKM.
Trên cơ sở đó, các ngành chức năng sẽ hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, DN nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng các tiến bộ KHCN, liên kết trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...
Thôn Đồng Dong, xã Quang Yên là 1 trong 3 địa phương của huyện Sông Lô được chọn xây dựng LVHKM trong năm 2023. Bên cạnh việc hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở, phát huy tiềm năng sẵn có, thôn tập trung đẩy mạnh các mô hình phát triển kinh tế như sản xuất rượu men lá, rau sạch, chăn nuôi dê, thỏ, lợn mán....
Trong đó, mặt hàng thuốc nam mang tên "Thảo mộc bà Lợi" của gia đình anh Lâm Văn Cao được lựa chọn là một trong những mô hình kinh tế mũi nhọn ở thôn.
Qua tìm hiểu được biết, nắm bắt xu hướng tiêu dùng trên các sàn TMDTT tăng cao, vài năm gần đây, gia đình anh Cao đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội, sàn TMĐT để giới thiệu, quảng bá và bán các mặt hàng thuốc nam gia truyền.
Mô hình này không chỉ giúp anh khai thác tối đa lợi thế gần vùng nguyên liệu, phát triển kinh tế trên chính quê hương, tạo việc làm cho nhiều lao động mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn.
Anh Cao chia sẻ, nhờ hình thức kinh doanh thông qua mạng xã hội, các sản phẩm thuốc nam gia truyền của gia đình được đến tay nhiều người bệnh trên cả nước. Doanh thu vì thế cũng tăng gấp đôi so với thời điểm chưa áp dụng bán hàng trên các nền tảng số.
Để sản phẩm khẳng định được thương hiệu, mở rộng thị trường và tạo được sự tin cậy với khách hàng, hướng tới là sản phẩm đặc trưng của LVHKM, gia đình đã được hỗ trợ đăng ký theo chương trình OCOP của địa phương.
Với những lợi ích đem lại, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân, DN, HTX xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc đưa sản phẩm lên sàn TMĐT thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, OCOP, phát triển TMĐT...
Triển khai các chính sách hỗ trợ đặc thù trong chương trình xây dựng LVHKM, đến nay, có 21/28 thôn, tổ dân phố xây dựng LVHKM đăng ký thực hiện 93 mô hình kinh doanh TM - DV; 8 thôn, tổ dân phố có tổ chức, cá nhân đăng ký mô hình homestay, farmstay; 22 thôn, tổ dân phố có tổ chức, cá nhân đăng ký mô hình vườn sản xuất; 100% huyện, thành phố đã thực hiện giải ngân vốn hỗ trợ phát triển SXKD, dịch vụ.
Bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp, có thể thấy, việc quảng bá các sản phẩm đặc trưng tại các LVHKM trên các nền tảng mạng xã hội sẽ giúp các cơ sở sản xuất, DN, HTX, nông dân có thêm cơ hội để giới thiệu sản phẩm địa phương, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Mặc dù vậy, trên thực tế, việc đưa các sản phẩm lên sàn TM - ĐT ở các hộ cá thể, đơn vị SXKD, DN nói chung, tại các cơ sở, hộ sản xuất tại các LVHKM nói riêng cũng đang gặp phải không ít khó khăn, bởi đây là kênh tiêu thụ mới, việc triển khai còn lúng túng trong khi phần lớn các cơ sở, hộ kinh doanh còn hạn chế cả về vốn, quy mô sản xuất lẫn năng lực quản trị, kỹ năng marketing online…
Do đó, mới đây, Sở Công thương đã khảo sát, thống nhất với các sở, ngành, địa phương liên quan và đề xuất ban chỉ đạo tỉnh về xây dựng LVHKM thực hiện 3 mô hình kinh tế tại một số LVHKM, trong đó, có mô hình hỗ trợ đưa các sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP tiêu biểu lên sàn TMĐT tại LVHKM Bàn Mạch, xã Lý Nhân (Vĩnh Tường) và các LVHKM khác có sản phẩm OCOP phù hợp với thời gian thực hiện trong quý I/2024.
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế tại các LVHKM sẽ thúc đẩy phát triển toàn diện các ngành, nghề, trong đó có lĩnh vực TMĐT, góp phần từng bước hình thành nền kinh tế số, xã hội số trên địa bàn.
Lưu Nhung