Cùng với sự phát triển của đất nước, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN) của tỉnh luôn phát huy tinh thần sáng tạo, đi đầu trong thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chuyên môn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước trao chứng nhận cho 20 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh năm 2023. Ảnh: Trà Hương
Hiện nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh có hơn 19.000 hội viên; trong đó, có 81 tiến sĩ, gần 3.300 thạc sĩ và hàng nghìn người có trình độ đại học, tham gia hoạt động trong tất cả các lĩnh vực giáo dục, y tế, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xây dựng, luật pháp và tài nguyên môi trường.
Đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức KH&CN ngày càng có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường ở mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành điểm sáng của cả nước.
Là 1 trong 20 trí thức KH&CN tiêu biểu được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh tôn vinh năm 2023, thầy giáo Nguyễn Văn Lâm, giảng viên Khoa Kỹ thuật nông nghiệp, cán bộ Phòng Khoa học công nghệ và Đối ngoại, Trường cao đẳng Kinh tế-Kỹ thuật Vĩnh Phúc không chỉ có nhiều sáng kiến, nghiên cứu khoa học giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn có nhiều đóng góp quan trọng vào lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển.
Thầy Lâm cho biết: “Xác định nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ hàng đầu phục vụ công tác giảng dạy và ứng dụng vào sản xuất, đời sống, tôi đã dành thời gian để thực hiện nhiều sáng kiến, giải pháp có tính ứng dụng cao. Trong đó, có thể kể đến bộ giáo trình chuyên ngành về thú y do tôi làm chủ biên đã được nghiệm thu và đưa vào giảng dạy tại trường. Một số sáng kiến, giải pháp khác cũng đã phục vụ hiệu quả trong giảng dạy các môn học liên quan đến chuyên ngành kỹ thuật thú y, như ngân hàng câu hỏi học phần ngoại khoa thú y, ngân hàng câu hỏi học phần chăn nuôi lợn…”.
Say mê nghiên cứu khoa học, năm 2015, thầy Lâm tham gia nghiên cứu sinh chuyên ngành Bệnh lý học và chữa bệnh vật nuôi tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2021, thầy đã hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài "Nghiên cứu một số đặc tính sinh học của vi rút cúm A/H5 biến chủng mới ở đàn gia cầm làm cơ sở cho phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam".
Ngoài ra, thầy Lâm còn tham gia nhiều đề tài khoa học, có nhiều bài viết mang tính chất nghiên cứu được đăng tải trên một số báo, tạp chí chuyên ngành, giúp ích cho những người tham gia nghiên cứu, học tập chuyên ngành kỹ thuật nông nghiệp, như ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thụ tinh nhân tạo giống bò mới Blonde và Wagyu với đàn bò các nền lai Zebu nhằm nâng cao năng suất và chất lượng của đàn bò thịt trên địa bàn tỉnh; đánh giá khả năng bảo hộ của một số loại vắc xin cúm gia cầm sử dụng cho cả gà và vịt chống lại vi rút cúm A/H5N6 clade 2.3.4.4b phân lập; mô hình máy hút ẩm không khí…
Kiêm nhiệm công tác tại Phòng Khoa học công nghệ và Đối ngoại, thầy Lâm cùng các cán bộ, giáo viên nhà trường góp phần đưa hoạt động này vào nền nếp và có bước phát triển mới. Những năm gần đây, các công trình nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên, giảng viên, sinh viên trong trường được thực hiện mang tính ứng dụng cao trong công tác quản lý hoạt động giáo dục và đào tạo.
Năm học 2022-2023, nhà trường đăng ký thành công 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh với chủ đề "Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thực tế ảo phục vụ công tác giảng dạy chương trình chất lượng cao ngành kỹ thuật điều khiển và tự động hóa trong đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh". Tham gia Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc năm 2022 với 4 mô hình thiết bị, nhà trường đã giành được 2 giải Nhất, 1 giải Nhì và 1 giải Khuyến khích.
Tại Hội thi kỹ năng nghề cấp tỉnh năm 2022, nhà trường giành được 2 giải Nhất, 3 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích. Cũng trong năm 2022, cán bộ, giảng viên nhà trường tham dự Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ I với 2 mô hình, trong đó mô hình "Chuồng nuôi gà công nghệ cao" đã đạt giải Nhì.
Năm học 2022-2023, nhà trường đã triển khai nghiên cứu, nghiệm thu, công bố 5 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở của cán bộ, giảng viên, giáo viên, trong đó, các đề tài đều có tính ứng dụng cao trong công tác giảng dạy và đào tạo.
Các trí thức KH&CN đã thực hiện hàng trăm đề tài khoa học và triển khai ứng dụng, nhân rộng mô hình trên thực tế, được các hội viên, nhân dân trên địa bàn tỉnh đánh giá cao. Điển hình như nghiên cứu và ứng dụng chế phẩm nước sinh lực VP tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh; thử nghiệm và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới trong sản xuất nấm và củng cố phát triển sản xuất nấm ở Vĩnh Phúc; duy trì và phát triển nghề nuôi rắn truyền thống tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường; ứng dụng một số kỹ thuật tiến bộ trong việc cải tạo đất phù sa không được bồi của sông Hồng, phù sa cũ bạc màu và đất dốc cằn xấu, cân đối phân bón cho cây lúa, cây ngô nhằm đạt năng suất cây trồng cao và ổn định; nghiên cứu xây dựng vùng phát triển cây, con mũi nhọn tỉnh Vĩnh Phúc…
Với những đóng góp to lớn của đội ngũ trí thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh luôn quan tâm, tạo động lực cho đội ngũ trí thức hết lòng cống hiến tài năng, tâm huyết theo từng ngành, từng lĩnh vực và tạo mọi điều kiện để họ phát huy năng lực, sở trường và tư duy sáng tạo nhằm tạo ra nhiều sản phẩm vật chất, tinh thần hữu ích cho xã hội.
Đồng thời, chú trọng thực hiện các chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức nhằm thu hút các trí thức có tài năng, có phẩm chất đạo đức tốt, cống hiến cho sự phát triển của tỉnh cũng như đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, chế độ, tiền lương để trí thức KH&CN yên tâm công tác. Từ đó, phát huy mạnh mẽ vai trò của đội ngũ trí thức, xứng đáng là “vốn liếng quý báu của dân tộc” như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Minh Nguyệt