Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn huyện Vĩnh Tường được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao. Tuy nhiên, việc duy trì hoạt động của hệ thống các thiết chế văn hóa đang gặp nhiều khó khăn, cần sớm có giải pháp tháo gỡ.
Nhà văn hóa thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân chưa được lắp đặt dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời nên số lượng người dân tham gia các hoạt động tại đây còn hạn chế
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Vĩnh Tường có 26/28 xã, thị trấn đã xây dựng được Trung tâm Văn hóa-Thể thao (VH-TT) đạt chuẩn NTM, đô thị văn minh. Có 2 thị trấn là Thổ Tang và Vĩnh Tường chưa xây dựng được Trung tâm VH-TT, nhưng đều có nhà văn hóa kiêm Hội trường UBND đảm bảo tiêu chí NTM, đô thị văn minh.
Trung tâm VH-TT các xã, thị trấn cơ bản được xây dựng đủ các hạng mục theo quy định như nhà văn hóa quy mô 250-300 chỗ ngồi trở lên; nhà luyện thể dục-thể thao đa năng; sân khấu ngoài trời; sân bóng đá; công trình vệ sinh; đường đi, cây xanh, hàng rào.
Đến cuối năm 2022 đã có 14/28 Trung tâm VH-TT các xã, thị trấn được lắp đặt dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời tại khu vực sân vận động, đáp ứng tốt nhu cầu tập luyện thể dục-thể thao nâng cao sức khỏe của người dân.
Đối với thiết chế văn hóa thể thao ở cấp thôn, đến nay, 178/178 thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện đều xây dựng được nhà văn hóa đảm bảo tiêu chí, có đủ các hạng mục theo quy định. Hội trường quy mô từ 100 chỗ ngồi trở lên; khu vực sân chơi thể thao đơn giản; nhà vệ sinh, cổng ra vào, cây xanh, tường rào bao quanh.
Các nhà văn hóa cấp thôn được gắn biển tên, xây dựng nội quy, quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định. Tính đến hết năm 2022, đã có 109 nhà văn hóa cấp thôn được lắp đặt dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời, dự kiến hết năm 2023, 100% nhà văn hóa thôn sẽ được lắp đặt dụng cụ thể dục-thể thao ngoài trời.
Qua đánh giá, về cơ bản các thiết thiết văn hóa cấp thôn trên địa bàn huyện Vĩnh Tường hoạt động tương đối hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu hoạt động văn hóa-văn nghệ, rèn luyện thể dục-thể thao của người dân.
Tuy nhiên, các Trung tâm VH-TT xã, thị trấn hầu hết động trầm lắng, chưa khai thác được công năng sử dụng do còn vướng mắc về quy trình, thủ tục pháp lý khi triển khai; không có kinh phí để duy trì hoạt động thường xuyên, liên tục, hiệu quả.
Các loại thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động như bàn ghế, loa đài, bộ trang trí, khánh tiết... ở nhiều xã, thị trấn bị xuống cấp qua thời gian sử dụng cần được tu bổ, nâng cấp, nhưng khó khăn về nguồn kinh phí.
Khu vực sân vận động và nhà luyện tập thể dục-thể thao đa năng ở các Trung tâm VH-TT cấp xã không bố trí được người quản lý trông coi do chưa có nguồn kinh phí chi cho việc này dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.
Một số nhà văn hóa thôn xây dựng từ những năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, nên đang dần bị xuống cấp. Bên cạnh đó, là những khó khăn về nguồn kinh phí, trang thiết bị, phương tiện, người quản lý vận hành…
Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Tường cho biết: Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực tế những tồn tại, hạn chế trong quá trình hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở, huyện đang tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn phát huy hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc quan tâm đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của các thiết chế văn hóa, thể thao, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Khuyến khích phát triển đa dạng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở, kịp thời phát hiện, nhân rộng những mô hình hay, cách làm tốt. Đồng thời, chấn chỉnh, khắc phục những mặt hạn chế nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế này.
Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở; gắn nội dung hoạt động với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương và lợi ích của cộng đồng, khu dân cư.
Đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí hoạt động, tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoạt động hiệu quả hơn; tập trung vận động xã hội hóa, từng bước thu hút đầu tư trong hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao trên địa bàn…
Cùng với các giải pháp ở địa phương, huyện Vĩnh Tường rất mong muốn tỉnh quan tâm xây dựng, ban hành cơ chế hỗ trợ kinh phí để cấp xã bố trí người quản lý, trông coi Trung tâm VH-TT; kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa, mua sắm các phương tiện, thiết bị của của hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở nhằm duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao.
Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ tu bổ, xây dựng các nhà văn hóa xã, thôn bị xuống cấp qua thời gian khai thác sử dụng; hướng dẫn cụ thể việc thực hiện xã hội hóa Trung tâm VH-TT cấp huyện, cấp xã, nhằm khai thác tốt công năng sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở.
Bài, ảnh: Nguyễn Khánh