Bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Tòa án nhân dân tối cao, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã chỉ đạo TAND hai cấp trong tỉnh tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp, đảm bảo tiến độ, chất lượng giải quyết, xét xử vụ án tham nhũng. Qua đó góp phần giữ vững kỷ cương pháp luật, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Cán bộ Tòa án nhân dân huyện Tam Đảo thường xuyên trao đổi nghiệp vụ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án. Ảnh Trường Khanh
Xác định công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức có kỷ luật, kỷ cương, liêm chính, Đảng ủy, lãnh đạo TAND tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước, TAND tối cao về công tác PCTN, tiêu cực gắn với thực hiện Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán đến cán bộ, Thẩm phán TAND hai cấp trong tỉnh.
Đồng thời xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước và TAND tối cao về thực hiện các nhiệm vụ PCTN, tiêu cực trong hoạt động của tòa án.
Quá trình thực hiện, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tạo môi trường tư pháp công khai, minh bạch, lấy phòng ngừa làm chính.
Bên cạnh thực hiện nghiêm việc phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, lãnh đạo TAND tỉnh còn chỉ đạo khẩn trương đưa ra xét xử các vụ án tham nhũng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao bản lĩnh chính trị cho những người giữ chức danh tư pháp của tòa án.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua gắn với nhiệm vụ chuyên môn; động viên các thẩm phán tự học tập, bồi dưỡng trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nâng cao khả năng hiểu biết kiến thức ở các lĩnh vực liên quan như công tác quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, tài chính ngân sách...
Theo Thẩm phán Nguyễn Duy Sơn, Chánh Tòa Hình sự, TAND tỉnh: Tội phạm tham nhũng đa dạng, vụ án tính chất phức tạp, nhiều đối tượng tham gia, khi phát hiện thường đã diễn ra trong thời gian dài, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Đối tượng phạm tội có trình độ chuyên môn cao nên thủ đoạn tinh vi, khó phát hiện. Việc xử lý tội phạm này cần phải chứng minh nhiều vấn đề liên quan đến nhiều lĩnh vực...
Vì vậy, để nâng cao chất lượng xét xử vụ án tham nhũng, chức vụ thì Hội đồng xét xử cần thực hiện chặt chẽ trình tự, thủ tục xét xử theo quy định pháp luật. Thành viên Hội đồng xét xử, Hội thẩm nhân dân phải là người am hiểu sâu rộng về lĩnh vực tội phạm thực hiện hành vi tham nhũng.
Trong quá trình xét xử, ngoài tài liệu do Cơ quan cảnh sát điều tra, kết luận giám định thì Thẩm phán phải nghiên cứu kỹ các văn bản liên quan cũng như vận dụng văn bản do ngành tư pháp hướng dẫn.
Đối với các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi thì thường xuyên xin ý kiến lãnh đạo về tiến độ giải quyết. Hội đồng xét xử cũng dành thời gian thỏa đáng để lắng nghe ý kiến của các bên liên quan, cũng như phần tự bào chữa của các bị cáo. Qua đó, có cách nhìn khách quan hơn để đưa ra phán quyết đúng với bản chất vụ án, xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, không kết án oan, sai, không bỏ lọt tội phạm.
Theo báo cáo của TAND tỉnh, tính từ 1/10/2023 đến hết tháng 9/2024, TAND 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý 14 vụ án tham nhũng, tiêu cực với 29 bị cáo. Các đơn vị đã xét xử 100% số vụ với 29 bị cáo.
Các vụ án về tham nhũng, tiêu cực đều được đưa ra xét xử kịp thời, đúng hạn luật định, đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm.
Công tác xét xử đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội và nhân dân. Qua trình xét xử luôn chú trọng hoạt động tranh tụng tại phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp. Các bản án, quyết định đã tuyên đảm bảo đúng pháp luật, công bằng, nghiêm khắc, đã răn đe, trấn áp được tội phạm tham nhũng, kinh tế và các loại tội phạm khác, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
Thời gian tới, TAND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tập huấn, nâng cao chất lượng công tác xét xử; đảm bảo các bản án, quyết định của tòa án tuyên nghiêm minh, đúng pháp luật, đủ sức răn đe chung trong xã hội. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng giải quyết dứt điểm những vụ án tồn đọng, nhất là các vụ án liên quan đến tham nhũng, kinh tế được dư luận xã hội quan tâm...
Thu Nhàn