Vĩnh Phúc là một phần không thể tách rời trong dòng chảy lịch sử của đất nước. Đối với Thủ đô Hà Nội - “trái tim” của cả nước, Vĩnh Phúc đã đóng góp tích cực vào công cuộc giải phóng cũng như khôi phục và xây dựng lại Thủ đô sau ngày giải phóng. Trong không khí phấn khởi kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội (10/10/1954 - 10/10/2024), chúng ta tự hào nhìn lại hành trình Vĩnh Phúc gắn bó, luôn hướng về Thủ đô thân yêu.
Học sinh Vĩnh Phúc tìm hiểu về lịch sử và ý nghĩa Ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Trà Hương
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Thủ đô Hà Nội nói riêng không có ước nguyện nào hơn là được sống trong hòa bình để xây dựng và phát triển. Nhưng thực dân Pháp đã dã tâm cướp nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, hưởng ứng Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước nhất tề đứng lên đánh giặc cứu nước.
Cuộc chiến đấu 60 ngày đêm vô cùng oanh liệt đã mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc, kìm chân và tiêu hao sinh lực địch, tạo điều kiện để cơ quan đầu não và các lực lượng kháng chiến của ta tạm rút khỏi Hà Nội an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Trung ương giao.
Sau 9 năm chiến đấu gian khổ với ý chí quyết tâm và sự sáng tạo, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng vang dội tại Điện Biên Phủ năm 1954, đánh bại thực dân Pháp, giải phóng dân tộc và giải phóng Thủ đô Hà Nội vào ngày 10/10/1954.
Là một phần không thể thiếu của cách mạng toàn quốc, quân và dân Vĩnh Phúc đã đóng góp tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc và giải phóng Thủ đô Hà Nội năm 1954. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và căn cứ tình hình thực tế của tỉnh, Vĩnh Phúc đẩy mạnh hoạt động vũ trang phối hợp với chiến trường toàn quốc; đồng thời, tập trung tài lực cho cuộc kháng chiến.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Vĩnh Phúc đã huy động hơn 15 triệu ngày công xây dựng làng chiến đấu; phối hợp với bộ đội chủ lực đánh hơn 6.100 trận lớn nhỏ; tiêu diệt, bắn bị thương, bắt sống, bức hàng hơn 37.000 tên địch; thu hàng nghìn vũ khí, quân trang, quân dụng khác…
Phát huy tinh thần yêu nước, hàng nghìn người con quê hương Vĩnh Phúc đã lên đường ra trận và tham gia phục vụ kháng chiến; trong đó, hơn 24.300 người tham gia du kích, 28.500 thanh niên lên đường nhập ngũ chiến đấu trên khắp mọi miền Tổ quốc; 45.700 dân công đóng góp gần 1 triệu ngày công phục vụ từ chiến dịch Hòa Bình đến Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong chiến đấu, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh hoặc hy sinh một phần xương máu nơi chiến trường ác liệt. Không chỉ vậy, nhân dân Vĩnh Phúc còn nỗ lực “một người làm việc bằng hai người”, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế để chi viện cho tiền tuyến.
Sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân Vĩnh Phúc góp phần tạo ra nguồn sức mạnh to lớn, cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc và giải phóng Thủ đô Hà Nội. Với những đóng góp đó, Quốc hội, Chính phủ tặng thưởng 4.191 Huân chương, 14.768 Huy chương và hàng nghìn Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân tỉnh Vĩnh Phúc.
Sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Vĩnh Phúc tiếp tục góp sức vào công cuộc khôi phục và xây dựng Thủ đô. Nhiều cán bộ, chiến sĩ từ Vĩnh Phúc được điều động về Hà Nội để hỗ trợ việc khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển Thủ đô. Nhiều thanh niên Vĩnh Phúc trong lực lượng thanh niên xung phong tiếp quản Thủ đô đã tích cực tham gia xây dựng phong trào thanh, thiếu niên và tổ chức các hoạt động, tạo khí thế vui tươi trên khắp phố, phường Hà Nội…
Tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội đã tạo ra mối liên kết bền chặt với tình cảm gắn bó, giúp Hà Nội nhanh chóng hồi sinh sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt.
Trong giai đoạn đổi mới, Vĩnh Phúc từng bước phát triển, trở thành một trong những tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh của cả nước. Là “cửa ngõ” của Thủ đô, Vĩnh Phúc đã khai thác các cơ hội từ việc phát triển hạ tầng giao thông, logistics và các chính sách thu hút đầu tư từ Hà Nội.
Các khu công nghiệp lớn như Bá Thiện, Khai Quang… đã thu hút nhiều doanh nghiệp từ Hà Nội và các tỉnh, thành trong cả nước, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Điều này càng tăng cường mối liên kết kinh tế giữa Vĩnh Phúc với Hà Nội.
Cùng với đó, những hoạt động liên kết, hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế ngày càng đa dạng, phong phú, giúp thắt chặt tình cảm và sự gắn kết giữa hai địa phương.
Công tác thông tin tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng, lịch sử dân tộc được chú trọng. Ngành GDĐT Vĩnh Phúc luôn chú trọng giáo dục học sinh về tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội nghìn năm văn hiến. Thông qua những bài giảng, những hoạt động ngoại khóa, các chuyến tham quan thực tế giúp học sinh tìm hiểu, cảm nhận sâu sắc và tự hào về văn hóa, lịch sử của Hà Nội…
Vĩnh Phúc đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử kháng chiến, khẳng định vai trò quan trọng trong công cuộc giành lại độc lập dân tộc, giải phóng Thủ đô Hà Nội năm 1954. Từ những trang sử ấy, mối liên hệ giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội là hành trình lịch sử gắn bó, đoàn kết, hỗ trợ từ những ngày kháng chiến gian khổ cho đến sự phát triển vượt bậc trong hiện tại. Vĩnh Phúc luôn hướng về và vì Thủ đô thân yêu để góp phần vào sự phát triển chung của cả nước trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Minh Hường