Thấu hiểu những khó khăn, vất vả của người khiếm thị trên hành trình vươn lên số phận, thời gian qua, Hội Người mù tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành, nhà hảo tâm, doanh nghiệp tạo điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và triển khai nhiều hoạt động đào tạo, giải quyết việc làm cho hội viên. Nhờ đó, nhiều người khiếm thị đã vượt lên chính mình, tìm được “ánh sáng” cuộc đời, sống một cuộc đời có ý nghĩa.
Gương sáng vượt khó
Bẩm sinh bị mù cả hai mắt, ông Lê Văn Hương, 60 tuổi ở thôn An Lão, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên là một tấm gương không chịu đầu hàng số phận, vượt khó đi lên phát triển kinh tế hộ gia đình với mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín.
Bắt đầu chăn nuôi từ năm 1987 chỉ với 2 con lợn nái, ông Hương từng gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ bởi thiếu kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi và cách phòng, chống dịch bệnh cho lợn. Hơn nữa, công việc chăn nuôi với người bình thường đã vất vả, cực nhọc, với người khiếm thị lại càng hạn chế, nhưng ngày ngày ông Hương vẫn cùng vợ chăm lo đàn lợn.
Niềm hy vọng ngày càng được thắp sáng khi đến năm 2008, gia đình ông bắt đầu được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng CSXH huyện do Trung ương Hội Người mù quản lý để mua thêm con giống. Cần cù, chăm chỉ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn quay vòng, năm 2014, Hội Người mù tỉnh tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ ông vay vốn 10 triệu đồng từ nguồn Quỹ quốc gia về việc làm để đầu tư nuôi lợn theo hướng trang trại.
Ông Hương chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm của các cấp hội hỗ trợ hội viên vay vốn với lãi suất thấp, kinh tế của gia đình tôi đã dần ổn định. Năm 2020, tôi quyết định vay thêm vốn chuyển đổi từ mô hình từ chăn nuôi lợn theo phương pháp chuồng hở truyền thống sang mô hình chăn nuôi khép kín, có hệ thống dàn mát, hệ thống hút mùi trên tổng diện tích 400 m2.
Từ chăn nuôi nhỏ lẻ với 2 con lợn nái ban đầu, đến nay trang trại của gia đình đã tăng quy mô lên 200 con, thu nhập trung bình từ 150-200 triệu đồng/năm. Nguồn thu này giúp gia đình tôi có điều kiện xây dựng nhà ở khang trang, chăm lo đầy đủ cho con cái học hành”.
Thực hiện hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình ông Lê Văn Hương, xã Sơn Lôi (Bình Xuyên) xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi lợn khép kín với thu nhập ổn định.
Đồng hành cùng hội viên
Hiện Hội Người mù tỉnh có hơn 1.930 hội viên, sinh hoạt tại 9 cơ sở hội tại các huyện, thành phố. Để tiếp sức cho hội viên phát triển kinh tế, Hội Người mù tỉnh đã hỗ trợ nguồn vốn và dạy nghề theo phương châm “trao cần câu hơn trao con cá”.
Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Trần Quảng Thanh cho biết: “Với người khiếm thị, mất đi đôi mắt nhưng họ vẫn còn sức khỏe, còn đôi tay. Do đó, các cấp hội tích cực huy động vốn vay từ Trung ương Hội, Ngân hàng CSXH để đảm bảo 100% nhu cầu vốn vay cho hội viên. Cùng với đó là nâng cao chất lượng các lớp dạy nghề; nỗ lực mở các cơ sở sản xuất, kinh doanh như tăm tre, chổi đót, xoa bóp, bấm huyệt để tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hội viên".
Cụ thể, trong 5 năm (từ 2019-2024), hội đã tạo điều kiện cho hơn 135 lượt hội viên vay vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Trung ương Hội phân bổ để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, mua bán nhỏ với số vốn xoay vòng hơn 3,1 tỷ đồng.
Hiện nay, với tổng số vốn 2,2 tỷ đồng do Tỉnh Hội quản lý, đội ngũ cán bộ hội thường xuyên đôn đốc kiểm tra việc thực hiện vốn vay. Trung bình mỗi hộ được vay với số vốn từ 10 - 50 triệu đồng để thực hiện các mô hình phát triển kinh tế gia đình như trồng trọt, chăn nuôi, buôn bán. Qua đánh giá của Trung ương Hội và Ngân hàng CSXH huyện, 100% hội viên sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, không có nợ đọng, chậm trả khi dự án đáo hạn.
Nhiều gia đình hội viên được vay vốn đã thoát nghèo vươn lên khá giả, điển hình như gia đình chị Phạm Thị Thúy Lan (thành phố Phúc Yên), ông Lê Văn Hương (huyện Bình Xuyên), chị Lê Thị Toán (huyện Vĩnh Tường).
Ngoài hỗ trợ vốn phát triển kinh tế cho hội viên, trong 5 năm qua, Hội Người mù tỉnh còn mở 10 lớp dạy nghề với gần 100 lượt học viên theo học các nghề như xoa bóp, bấm huyệt, làm chổi đót... Hằng năm, các cơ sở thường xuyên tổ chức truyền nghề, tập huấn nâng cao tay nghề tẩm quất đáp ứng nhu cầu của hội viên. Qua khảo sát, 100% học viên sau khi học nghề đều được bố trí làm việc tại các cơ sở sản xuất dịch vụ của hội và hội viên tự mở.
Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế cho hội viên, Hội Người mù tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ngoài ra, vào dịp lễ, Tết, Tỉnh Hội phối hợp với các cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm trao quà cho 100% hội viên, đồng thời tranh thủ sự quan tâm, giúp đỡ của Ủy ban MTTQ các cấp, từ nguồn Quỹ Vì người nghèo đã hỗ trợ xây dựng được 6 nhà đại đoàn kết cho hội viên với tổng số tiền 450 triệu đồng.
Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Trần Quảng Thanh cho biết thêm: “Thời gian tới, Tỉnh Hội sẽ tiếp tục vận động các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để hỗ trợ cho trẻ em mù và hội viên người mù; duy trì, quản lý tốt nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm cho người mù; vận động hội viên trong độ tuổi lao động có sức khỏe tham gia các lớp học chữ Braille, học nghề. Tiếp tục xây dựng, củng cố công tác hội ở các địa phương để tổ chức hội thực sự là mái nhà chung, là tổ chức đại diện cho tinh thần ý chí để người mù vượt khó vươn lên, hòa nhập cộng đồng”.
Bài, ảnh: Thảo My