Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là sợi dây kết nối để thế hệ sau hiểu được những gì thế hệ trước đã làm, kế thừa, phát triển, làm cho đời sống con người trở nên văn minh hơn, hiện đại hơn. Trong kỷ nguyên số, với sự phát triển của công nghệ, con người càng cần phát triển văn hóa đọc để bắt kịp xu hướng phát triển của xã hội.
Thư viện số hiện đại tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Vĩnh Yên) thu hút đông đảo học sinh tham gia đọc sách. Ảnh: Trà Hương
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có 30% người dân đọc sách thường xuyên, 26% người dân không đọc sách và 44% người dân thỉnh thoảng mới đọc sách; 70% người dân sử dụng internet, nằm trong nhóm đầu thế giới.
Kỷ nguyên số mang đến nhiều hình thức giải trí như mạng xã hội, video trực tuyến, sách nói, sách điện tử, các ứng dụng đọc sách điện tử… giúp việc tiếp cận sách trở nên dễ dàng hơn, có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Sự phát triển của kỷ nguyên số đặt văn hóa đọc vào thời kỳ chuyển đổi số và tích hợp đa phương tiện để thích nghi với điều kiện môi trường xã hội hiện đại và nhu cầu của người đọc.
Tuy nhiên, việc đọc sách truyền thống (sách in) luôn giữ vai trò quan trọng bởi giúp người đọc tập trung, ghi nhớ, khắc sâu tri thức, nâng cao khả năng cảm nhận và rèn luyện tính cách…
Đối với sách điện tử, không phải ai cũng biết cách tìm kiếm và sử dụng hiệu quả. Việc tiếp xúc với thông tin qua mạng internet nếu không có chọn lọc sẽ không đảm bảo độ chính xác.
Đối với giới trẻ chưa có sự hiểu biết toàn diện dẫn tới tiếp nhận, lựa chọn, sử dụng thông tin không chính thống, không có tác dụng nâng cao tri thức, kỹ năng… Chính vì vậy, trong kỷ nguyên số, cần đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc song song trên các ứng dụng công nghệ và duy trì văn hóa đọc sách truyền thống.
Bắt nhịp xu hướng phát triển, Vĩnh Phúc chú trọng xây dựng và lan tỏa văn hóa đọc trong thời đại số theo định hướng kết hợp truyền thống và hiện đại. Khi tổ chức triển khai các không gian văn hóa đọc, phát động “Tuần lễ học tập suốt đời” đều đan xen giữa trưng bày và triển lãm, bên cạnh không gian trải nghiệm dạy và học xưa là không gian xe thư viện lưu động đưa sách, các thiết bị sách nói, sách đọc, giới thiệu các mô hình thư viện số đến với bạn đọc…
Thư viện ở các khu dân cư thu hút nhiều người dân tham gia đọc sách. Ảnh: Trà Hương
Tại Thư viện tỉnh, công tác số hóa các loại sách, tài liệu đã được triển khai từ nhiều năm nay thông qua cổng thông tin điện tử (thuvien.vinhphuc.gov.vn) giúp bạn đọc dễ dàng tiếp cận cuốn sách hay thuộc các lĩnh vực.
Tại các địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa của văn hóa đọc sách; đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đổi mới hoạt động của thư viện các cấp để xây dựng và lan tỏa phong trào đọc sách trong người dân.
Cùng với thói quen đọc sách truyền thống, nhiều người dân đã sử dụng wifi, các thiết bị công nghệ số để tra cứu, tìm đọc những cuốn sách hay phục vụ nhu cầu nâng cao tri thức, kiến thức về nông nghiệp, thương mại điện tử… để ứng dụng hiệu quả vào quá trình sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Ngành GDĐT luôn chú trọng phát triển văn hóa đọc trong kỷ nguyên số. Ngành đã xây dựng và nhân rộng mô hình thư viện số, không gian đọc sách mở, thân thiện trong trường học. Đến nay, thư viện của nhiều trường học đã được trang bị hệ thống máy tính kết nối internet phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm kiếm thông tin, tài liệu của giáo viên, học sinh.
Điển hình như Trường Tiểu học Ngô Quyền (Vĩnh Yên) được xây dựng thư viện số với không gian xanh sinh động, hấp dẫn; nhiều thiết bị số hiện đại như sách nói, ứng dụng Nexta edu, Ipad… lôi cuốn học sinh tham gia đọc sách. Cùng với đó, các hoạt động giáo dục về văn hóa đọc sách được tích hợp vào chương trình học, giúp học sinh phát triển khả năng tư duy và hình thành thói quen đọc sách từ sớm.
Từ năm học 2023 - 2024, các nhà trường đã đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu, sắp xếp thời gian phù hợp cho học sinh; đồng thời đổi mới và đa dạng các hình thức lan tỏa văn hóa đọc sách trong trường học như ứng dụng các phần mềm, tranh ảnh để giới thiệu về những cuốn sách hay, hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả, tổ chức cho học sinh đọc sách trước giờ ngủ trưa, giờ ra chơi, tổ chức các hoạt động tôn vinh sách như Ngày hội đọc sách, tọa đàm về sách, các cuộc thi viết và kể chuyện về sách, thành lập câu lạc bộ về sách…
Em Nguyễn Hữu Đức Trí, học sinh Trường THCS Yên Lạc, huyện Yên Lạc cho biết: “Em được tham gia giờ đọc sách thú vị ở trường với nhiều hoạt động như đọc sách, kể chuyện, diễn kịch… Ở nhà, bố mẹ em mua máy tính để em có thể truy cập internet tìm đọc những cuốn sách hay, có nội dung đa dạng, phong phú, giúp em vừa học tập hiệu quả vừa giải trí, giảm căng thẳng”.
Hiện nay, xu hướng hình thành các cộng đồng đọc sách trực tuyến tạo cơ hội cho những người yêu sách giao lưu, chia sẻ và khuyến khích nhau đọc sách tích cực. Trường Tiểu học Hội Hợp B (Vĩnh Yên) là đơn vị tiên phong với việc triển khai Dự án “Cùng nhau học tập” từ tháng 9/2023 thu hút đông đảo thành viên tham gia, phát triển thành “Cộng đồng cùng nhau tự học”.
Cô giáo Nguyễn Thị Năm, một trong những hạt nhân của “Cộng đồng cùng nhau tự học”, Trường Tiểu học Hội Hợp B cho biết: “Cộng đồng cùng nhau tự học” có 2 nhiệm vụ chính là cùng nhau đọc sách và phát triển năng lực tự học thông qua nền tảng mạng xã hội.
Đến với "Cộng đồng cùng nhau tự học", các thành viên được hình thành thói quen đọc sách khoa học, chuyển từ đọc tự do sang đọc chuyên sâu với 5 kỹ năng là đọc chọn lọc, đọc với thái độ văn hóa, suy ngẫm điều đã đọc, chuyển hóa điều đã đọc thành hành động và lan tỏa ra cộng đồng.
Kỷ nguyên số đem lại nhiều thách thức nhưng cũng mở ra cơ hội cho văn hóa đọc phát triển theo hướng kết hợp công nghệ hiện đại với những giá trị truyền thống của việc đọc sách để xây dựng một nền văn hóa đọc phong phú và bền vững, từ đó giúp con người phát triển năng lực tự học, nâng cao tri thức, đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Minh Hường