Với mục tiêu mở rộng, nâng cao cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV) sau khi tốt nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đổi mới, phát triển nguồn nhân lực chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động.
Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lập Thạch tham quan dây chuyền sản xuất tại doanh nghiệp để tìm hiểu cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Ảnh: Dương Chung
Trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở GDNN. Trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, các cơ sở tuyển sinh mới từ 28.000 - 29.000 HSSV.
Để nâng cao cơ hội việc làm cho HSSV sau khi tốt nghiệp, các cơ sở GDNN đã tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp; đẩy mạnh liên kết đào tạo giữa các cơ sở để mở rộng ngành nghề đào tạo; nắm bắt xu hướng thị trường lao động để đào tạo theo nhu cầu; đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp…
Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Vĩnh Phúc đang đào tạo 3 ngành gồm công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa và quản trị kinh doanh. Trung bình mỗi năm, nhà trường tuyển sinh mới từ 100 - 150 HSSV.
Trước xu hướng thị trường lao động ngày càng yêu cầu cao về lao động vừa có tay nghề vững, vừa có kỹ năng nghề nghiệp cao, Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Vĩnh Phúc đã xây dựng chương trình đào tạo bám sát xu thế thực học - thực hành - thực nghiệp với phương pháp giảng dạy dựa trên dự án.
Giám đốc Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Vĩnh Phúc Nguyễn Đức Duyệt cho biết: “Chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế theo hướng dự án và bài tập thực tế, kết hợp các công việc trong doanh nghiệp vào bài giảng.
Môi trường học tập giống doanh nghiệp, yêu cầu HSSV tuân thủ lịch học nghiêm ngặt. HSSV được giao việc như nhân viên, có các giờ học tổ chức để giao và kiểm soát công việc. Giảng viên hướng dẫn, xây dựng tinh thần tự học, kiểm tra liên tục để đảm bảo HSSV hiểu bài và làm được bài sau mỗi buổi học.
Phương pháp này khuyến khích tính sáng tạo, tự tìm kiếm kiến thức và làm quen với yêu cầu công việc thực tế trong tương lai của HSSV. Bằng cách này, HSSV có cơ hội áp dụng kiến thức vào các dự án thực tiễn, phát triển kỹ năng thực hành và tư duy logic. Từ đó, các em sẽ dễ thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn.
Cùng với phương pháp học tập theo dự án, nhà trường tạo điều kiện cho HSSV được tham gia giao lưu, trải nghiệm tay nghề trong các cuộc thi, chương trình thực hành trong phạm vi các trường cùng hệ thống FPT với các sản phẩm đặc trưng của môn học như tham gia thi thiết kế, quảng cáo, thực hành livestream trên các nền tảng hệ thống…
Học sinh Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic cơ sở Vĩnh Phúc tổ chức thực hiện nội dung môn học theo dạng dự án. Ảnh: Dương Chung
Đồng thời nhà trường cũng phối hợp với các doanh nghiệp để mời lãnh đạo doanh nghiệp, bộ phận nhân sự, kinh doanh… đến giao lưu, chia sẻ với HSSV về môi trường, văn hóa, điều kiện tuyển dụng nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho HSSV”.
Nâng cao cơ hội việc làm cho HSSV sau khi ra trường, Trung tâm GDNN - GDTX huyện Lập Thạch đã tập trung triển khai các giải pháp chính gồm liên kết để mở rộng ngành nghề đào tạo; đảm bảo điều kiện, cơ sở vật chất, thời lượng thực hành cho HSSV; xây dựng chương trình đào tạo theo nhu cầu của thị trường; chú trọng đào tạo kỷ luật lao động, các kỹ năng mềm cho HSSV.
Đồng chí Nguyễn Anh Dũng, Tổ trưởng Tổ Đào tạo nghề - Hướng nghiệp, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lập Thạch cho biết: “Năm học 2024 - 2025, trung tâm đào tạo 10 mã nghề. Tùy theo tình hình thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, trung tâm sẽ có sự thay đổi, điều chỉnh các ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như nhu cầu của HSSV.
Hiện trung tâm đang liên kết với 9 trường trung cấp, cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp trung cấp nghề. Đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất, trang, thiết bị cho HSSV thực hành, trung tâm đã đầu tư 29 phòng thực hành cho các ngành nghề như may, điện, ô tô, nghiệp vụ lễ tân, chăm sóc sắc đẹp, máy nông nghiệp…
Cùng với việc nâng cao chất lượng đào tạo, trung tâm phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho HSSV”.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, tỷ lệ HSSV của Trung tâm GDNN-GDTX huyện Lập Thạch có việc làm sau khi ra trường luôn ở mức cao, khoảng 97%; trong đó, có những HSSV được doanh nghiệp tuyển dụng ngay từ năm học cuối.
Xã hội hóa GDNN, gắn kết với doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động là hướng đi tối ưu mà các cơ sở GDNN tiếp tục bám sát để triển khai công tác đào tạo; đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, tăng cơ hội việc làm cho HSSV nghề sau tốt nghiệp, góp phần tăng tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo.
Thùy Linh